Quyết định trên được HĐND TP HCM khóa X thông qua sáng 12/7. Kinh phí từ ngân sách thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.
Nơi làm việc của chính quyền TP HCM được xây dựng năm 1889, hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.

Trụ sở HĐND và UBND TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Thời Pháp, tòa nhà có tên là Hotel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà có tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TP HCM. Đây cũng là công trình có tính biểu tượng của thành phố.
Khi dự án được triển khai, khối nhà A sẽ được bố trí lại, bổ sung trang thiết bị nội thất cho các phòng làm việc. Khối nhà B sửa chữa, cải tạo các công trình hiện hữu, sân đường nội bộ trong khuôn viên.
Theo UBND TP HCM, sau hơn 100 năm sử dụng, tòa nhà trụ sở đã bị xuống cấp, hư hỏng, một số phòng làm việc được cải tạo lại có diện tích chưa đảm bảo điều kiện làm việc. Trong đó, mặt tiền khối nhà B xuất hiện vết nứt, sơn nước hoen ố, bong tróc xuống cấp; các cửa gỗ cũ, hư hỏng gây mất thẩm mỹ; bậc cấp các lối vào, thang bộ bị sứt mẻ...
Cùng với Nhà hát Lớn, Bưu điện, Tòa án nhân dân... trụ sở UBND thành phố là một trong những di sản kiến trúc Pháp còn lại của TP HCM. Năm 2020, tòa nhà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, trụ sở HĐND và UBND TP HCM đón hơn 50 đoàn với gần 1.500 khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Sở Du lịch cũng đã đề xuất mở cửa đón khách tham quan vào một số dịp trong năm.
Lê Tuyết