Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020. Trong đó, khoảng 10.000 người được đào tạo ở nước ngoài, số còn lại đào tạo trong nước.
Đề án tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học các ngành mũi nhọn, trọng điểm, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, tăng số lượng công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
Ở nhiều trường đại học, khá hiếm những giờ giảng bài của các giảng viên nước ngoài. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo đó, năm 2010-2013, mỗi năm tuyển chọn 800-1.200 nghiên cứu sinh; từ năm 2014, mỗi năm chọn 1.300-1.500 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài. Khoảng 3.000 tiến sĩ được đào tạo theo hình thức liên kết giữa các trường trong và ngoài nước. Đối với các tiến sĩ đào tạo trong nước, năm 2010-2015, mỗi năm tuyển 1.200-1.500 nghiên cứu sinh; từ 2016 mỗi năm tuyển chọn 1.500 người.
Giảng viên các trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu, sinh viên mới tốt nghiệp hoặc thạc sĩ đạt từ loại khá trở lên, những người có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi đang làm việc ở ngoài nhà trường (dưới 45 tuổi) có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên sau khi được đào tạo... được tham gia đề án. Giảng viên các đại học trọng điểm, đại học xuất sắc, được ưu tiên đào tạo tiến sĩ.
Người học có thể được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, đào tạo theo hình thức phối hợp, một phần thời gian ở trong nước và một phần ở nước ngoài hoặc đào tạo toàn thời gian ở trong nước sau đó thực tập nghiên cứu ở nước ngoài.
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 14.000 tỷ đồng, trong đó đào tạo toàn phần ở nước ngoài chiếm khoảng 64%, đào tạo phối hợp chiếm khoảng 14%; đào tạo trong nước chiếm khoảng 20%; đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng khác ở trong nước chiếm khoảng 2%.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong số hơn 61.000 giảng viên ĐH, CĐ, hiện mới có 6.200 tiến sĩ (10%), gần 23.000 thạc sĩ (37%), và gần 2.300 PGS, GS (gần 4%). Số giảng viên có trình độ ĐH, CĐ hiện vẫn chiếm tới hơn 31.000 (xấp xỉ 50%). Thứ trưởng GD&ĐT Trần Quang Quý cho hay, đến năm 2015 cần chấm dứt tình trạng cử nhân dạy đại học. |
Tiến Dũng