Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, một số lượng không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức hiện không đáp ứng được yêu cầu công việc, ảnh hưởng hiệu quả hoạt động công vụ.
Số liệu của chương trình giám sát về chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức được ông Lý đưa ra cho thấy hết năm 2012 có hơn 64.000 người chưa qua đào tạo chuyên môn, chiếm trên 12%. Quá nửa số cán bộ, viên chức chưa được đào tạo lý luận chính trị. Ở cấp xã, tỷ lệ cán bộ, công chức dưới đại học chiếm trên 3/4 và hơn 50% chưa qua đào tạo quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, chất lượng đội ngũ công chức là vấn đề được xã hội quan tâm, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước cũng đề cập. Qua thực trạng được đoàn giám sát nêu, cùng ý kiến cho rằng 1/3 số cán bộ, công chức “có cũng như không” nên gần đây Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, ngành tiến hành phân loại.
“Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%. Tới đây sẽ có tổng kết rõ hơn”, Bộ trưởng trả lời.
Đầu năm 2013, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bộ máy có tới 30% số công chức "làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". |
Cho ý kiến về kết quả giám sát, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhắc tới nhiều bất cập chưa được nêu. Theo ông, với quy trình bổ nhiệm không khác gì bầu cử hiện nay (người đứng đầu chỉ có một phiếu và ký quyết định) thì không thể quy trách nhiệm khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ.
Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị có quy định mang tính đột phá khi giao người đứng đầu quyền tuyển dụng, xây dựng kíp làm việc khoa học. “Cứ bổ nhiệm theo kiểu bỏ phiếu thì chỉ chọn được người dĩ hòa vi quý, còn người làm được việc, quyết liệt thì lại dễ va chạm, mất lòng”, ông Hiển nói.
Ông Hiển nêu nghịch lý, nhiều cán bộ có đủ thứ bằng, đủ thứ bồi dưỡng nhưng giao việc thì không làm được. Người đó không làm được việc thì lại cử đi học…
Theo Chủ nhiệm Dân tộc miền núi Ksor Phước, dù có quy định một bộ không quá 4 thứ trưởng, nhưng có bộ tới 11 người. Ở cấp cục, tổng cục cũng quy định không quá 4 cấp phó song nhiều nơi tới 10. “Trách nhiệm của Bộ Nội vụ khi gác cổng cho Chính phủ ở khâu bổ nhiệm là như thế nào?”, ông đặt câu hỏi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trăn trở về tham nhũng, tiêu cực trong công tác tuyển chọn cán bộ. Ông cho rằng khi Đảng dũng cảm thừa nhận có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất thì Quốc hội cũng phải dũng cảm chỉ ra con số đó là bao nhiêu. Quốc hội mạnh thì Đảng mới mạnh, dân mới tin Nhà nước, tin Đảng
“Sơ suất ở đâu, có tiêu cực gì trong công tác bổ nhiệm? Khi tuyển chọn có hiện tượng địa phương cục bộ không? Ta thống kê thử xem. Quốc hội làm sâu thì đó là tư liệu đóng góp cho Đảng trong công tác cán bộ”, ông Ksor Phước nói.
Góp ý thêm cho công tác tuyển chọn nhân tài, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi nhận xét, chất lượng đào tạo đại học hiện "rất không đồng đều". Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở trường ngoài công lập chưa chắc được xã hội đánh giá cao hơn người có bằng khá của trường công lập.
Ông đề nghị không nên lấy "tốt nghiệp xuất sắc" để làm tiêu chí tuyển chọn cán bộ mà nên mở rộng đối tượng, sau đó có thêm các hình thức khác đánh giá năng lực.
Thừa nhận nhiều hạn chế, đại diện Chính phủ cho hay, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo hiện thiếu hợp lý do nặng về thủ tục hành chính; chưa đánh giá được chính xác phẩm chất, năng lực thực tế của từng cán bộ trước khi bổ nhiệm… Tình trạng coi trọng bằng cấp vẫn diễn ra phổ biến thay vì gắn với thực tiễn công việc. Ở một số bộ, ngành có những sai phạm, gây ra bức xúc như việc phân biệt bằng cấp ở Nam Định, Đà Nẵng, Hải Dương….
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, dù thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, cấp phòng nhưng còn chậm, nhiều nơi chưa thực hiện. Để nâng cao đội ngũ công chức, viên chức, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu thêm hình thức phỏng vấn để tuyển được người có năng lực, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.
Nguyễn Hưng