Bệnh lao phổi của Tuấn tái phát và lần này nghiêm trọng hơn cách đây 1 năm, không một loại thuốc chống lao nào có tác dụng.
Các bệnh nhân điều trị lao tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương. Ảnh: Nam Phương. |
Về nước nghỉ hè được mấy tuần, Tuấn bắt đầu thấy ho, người mệt mỏi, những cơn sốt nhẹ xuất hiện về chiều và đêm. Một năm trước mắc bệnh lao, anh cũng bị ho kéo dài, nhưng lần này những cơn ho dai dẳng hơn, cả đêm không ngủ được, ngực nhiều khi thấy đau rát, khó thở.
Gia đình chủ quan cho rằng anh đã khỏi bệnh lao từ 1 năm trước, đợt ho lần này chỉ là ho thông thường, uống thuốc vào là khỏi. Cứ như thế một tuần, những cơn ho vẫn giày vò khiến người anh gầy sọp hẳn đi, mặt xanh xao, rồi ho ra máu. Gia đình vội đưa anh đến bệnh viện kiểm tra thì đã quá muộn. Tuấn bị lao kháng đa thuốc, không thể chữa được. Sức khỏe của anh ngày một yếu đi, người gầy nhom, đôi mắt trũng sâu hốc hác.
Một trường hợp khác cũng bị lao kháng thuốc là chị Nguyễn Hồng Hà (26 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đang điều trị tại khoa Tái trị của Bệnh viện Lao và Phổi Trung ương.
Trước đó, chị từng mắc bệnh lao, sau 5 tháng điều trị thấy người lên cân, không còn bị ho kéo dài, da dẻ hồng hào, chị nghĩ mình đã khỏi bệnh, lại muốn có con nên tự ý ngưng dùng thuốc.
Nhưng chỉ nửa năm sau, bệnh lao tái phát. Các bác sĩ kết luận chị mắc phải dòng lao kháng thuốc rifampine và isoniazide. Chị Hà hiện được áp dụng phác đồ điều trị mới, nhưng khả năng thành công chỉ là 50-60%, và thời gian rất lâu từ 18-24 tháng.
PGS Bùi Đức Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương cho biết, số người trẻ mắc bệnh lao gần đây đang có xu hướng tăng. Cứ 10 người mắc bệnh thì có 3-4 người còn rất trẻ, chỉ trong độ tuổi 15-30.
Điều đáng báo động là tình trạng bệnh lao kháng thuốc. Theo tiến sĩ Dương, cứ 100 người có khoảng 30 người bị lao kháng thuốc. Nguyên nhân là do thời gian điều trị lao dài 6-8 tháng, kết hợp nhiều loại thuốc, vì thế nhiều bạn trẻ không kiên trì, tự ý ngưng dùng thuốc dẫn đến vi khuẩn nhờn thuốc. Bệnh nguy hiểm ở chỗ vi khuẩn không chỉ kháng một mà nhiều loại thuốc chống lao, khiến nguy cơ tử vong cao. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do đa kháng thuốc ở Việt Nam là 3,8%.
Dấu hiệu cơ bản của bệnh lao là ho kéo dài; ngoài ra có thể gầy sút cân, sốt, ra mồ hôi... Tuy nhiên ho cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh thông thường như: viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi... Vì thế nhiều người chủ quan ngộ nhận lao với những bênh thông thường, khiến bệnh có nguy cơ lây lan rộng trong cộng động và khó chữa, đặc biệt là lao phổi.
Ông Dương cho hay, nếu cơn ho kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế kiểm tra. Khi bị bệnh lao, phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc điều trị: dùng thuốc đúng và đủ thời gian. Đa hóa trị liệu là cách chữa lao tốt nhất hiện nay bằng các thuốc: Isoniazide, Rifamipicine, Etambutol, Streptomycine kéo dài từ 6-8 tháng.
Bệnh lao lây qua đường hô hấp, nên tỷ lệ nhiễm cao. 44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn này (nhiễm vi khuẩn chưa có nghĩa là phát bệnh). Bệnh thường bùng phát khi cơ thể suy giảm miễn dịch, như khi mang thai, mắc bệnh tiểu đường, sau cắt dạ dày, nghiện rượu, kém dinh dưỡng, suy nhược ở tuổi già...
Cũng chính vì thế tiêm phòng lao chỉ có tác dụng với trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 1 tuổi. Theo lời khuyên của bác sĩ Dương, với người đã nhiễm khuẩn, cách phòng lao tốt nhất là có chế độ dinh dưỡng hợp lý, môi trường sống và làm việc trong lành, giảm căng thẳng..., để tăng sức đề kháng của cơ thể.
Nam Phương