Ví dụ gần nhất là vụ nam thanh niên 23 tuổi, người Mỹ, cùng hai người họ hàng đi bộ đến Vesuvius - ngọn núi lửa cao 1.280 m ở vùng Campania của Italy, hôm 9/7. Vị khách được cho là đánh rơi điện thoại lúc đang chụp ảnh và trượt chân rơi xuống miệng núi lửa. Không mất mạng nhưng nạn nhân bị trầy xước khá nặng.
Hồi tháng 1, Richard Jacobson, 21 tuổi, đi bộ đêm trên dãy núi Superstition ở Arizona (Mỹ), với đích đến là vách đá cheo leo để chụp ảnh tự sướng với không gian bên dưới là ánh đèn của toàn thành phố Phoenix. Nhưng người này bị trượt chân và rơi xuống vực sâu khoảng 214 m. Một người leo núi đã tìm thấy thi thể của Jacobson gần đỉnh Flatiron ở Công viên Lost Dutchman State, hôm 24/1.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ cho biết, từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2017, có 259 trường hợp tử vong khi cố chụp ảnh tự sướng, các nạn nhân có tuổi trung bình là 23 tuổi.
Khoảng 72,5% nạn nhân tử vong xảy ra ở nam và 27,5% ở nữ. Số vụ tử vong do chụp ảnh tự sướng cao nhất được ghi nhận ở Ấn Độ, tiếp theo là Nga, Mỹ và Pakistan.
Chụp ảnh tự sướng (selfie) được từ điển Oxford đặt tên là từ của năm 2013, mô tả là bức ảnh chụp chính mình (hoặc nhóm), thường sử dụng điện thoại thông minh với mục đích chia sẻ trên mạng xã hội.
Google ước tính 24 tỷ bức ảnh tự chụp đã được tải lên Google Photos vào năm 2015. Khoảng một triệu bức ảnh tự chụp được đăng tải mỗi ngày trong nhóm nhân khẩu học từ 18 đến 24 tuổi. Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ đã phát hiện khoảng 55% thế hệ millenials đã đăng ảnh tự sướng trên các dịch vụ truyền thông xã hội.
Nhưng tại sao nhiều người chấp nhận mạo hiểm cả tính mạng để có một bức ảnh hoàn hảo?
Tiến sĩ Pamela Rutledge tại Đại học Fielding Graduate ở Santa Barbara, California (Mỹ), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý truyền thông cảm thấy có nhiều thứ nguy hiểm đối với "văn hóa chụp ảnh tự sướng".
Rutledge cho biết đa số những người hưởng ứng văn hóa này đều là người trẻ, và công nghệ cũng thúc đẩy hiện tượng "tự sướng" phát triển mạnh. Chưa kể, nhiều trang web chia sẻ thông tin "cách có một bức ảnh tự sướng hoàn hảo" hay "các tư thế chụp ảnh tự sướng khác nhau". Ngoài ra, các sự kiện tổ chức cuộc thi ảnh tự chụp ở trường học, công ty hoặc cộng đồng có giải thưởng, cũng khiến nhiều người bất chấp mạo hiểm.
Ngoài ra, chụp ảnh tự sướng còn nhằm mục đích gây ấn tượng với mọi người trên các phương tiện truyền thông. Natalie Bloom, 23 tuổi, ở ngoại ô Boston, nhận thấy nhiều người đang quan tâm đến việc tạo ấn tượng với bạn bè thông qua mạng xã hội bằng những bức ảnh tuyệt vời nhất. "Vì vậy họ đã làm những điều liều lĩnh, không suy nghĩ chúng nguy hiểm như thế nào", cô gái trẻ bày tỏ.
Amanda Buczynski, 23 tuổi, ở Boston, cũng đồng tình và cho rằng nỗi ám ảnh của xã hội về mạng xã hội khiến mọi người làm những điều điên rồ để có một bức ảnh đẹp. "Các phương tiện truyền thông xã hội khiến mọi người tin tưởng vào sự xác nhận của người khác thông qua số lượt thích và bình luận", Amanda nói.
Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Tracy Alloway, cho biết chất dẫn truyền thần kinh dopamine khiến một người bình thường nảy sinh hành động mạo hiểm. Nhất là khi thấy lượt thích hoặc bình luận tích cực dưới bài đăng, một lượng lớn dopamine tạo cảm giác phấn khích được hình thành và khuyến khích người đó thực hiện lại hành vi đó.
Minh Phương (Theo NCBI, euronews, foxnews)