Giovanni Lopez, thợ hồ 30 tuổi, bị cảnh sát bắt ở thị trấn Ixtlahuacán de Los Membrillos, gần thành phố Guadalajara, bang Jalisco, hôm 5/5. Tuy nhiên, video về sự việc mới nổi lên trên mạng hôm 3/6, cho thấy cảnh sát cầm súng trường ép Giovanni lên sau thùng xe bán tải, trong khi người qua đường xin họ tha cho anh.
"Chỉ vì không đeo khẩu trang sao?", một nhân chứng hỏi.
"Anh ta chống đối", một cảnh sát đáp.
Người thân của Giovanni đến đồn cảnh sát tìm anh nhưng được thông báo là anh đã được chuyển vào bệnh viện. Khi tới bệnh viện, họ chỉ nhận được thi thể của Giovanni. Anh có một vết đạn ở chân và khám nghiệm tử thi cho thấy anh tử vong vì chấn thương ở vùng đầu.
Video về vụ bắt giữ Giovanni được chia sẻ rộng rãi khi các cuộc biểu tình đang nổ ra khắp nước Mỹ sau khi George Floyd, một người da màu, bị cảnh sát ghì chết. Tại Mexico, cảnh sát được trả lương thấp và huấn luyện sơ sài và thường xuyên lạm quyền. Từ khóa #JusticiaParaGiovanni đang lan truyền trên mạng xã hội Mexico.
"Giovanni không chết, cảnh sát đã giết anh ấy", nam diễn viên Gael García Bernal viết.
Các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát đã nổ ra vào tối 4/6 ở Guadalajara, thành phố lớn thứ hai Mexico, sau cái chết của Giovanni. Người biểu tình đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà chính quyền, đốt các xe tuần tra và vẽ graffiti lên tường.
Video tại hiện trường còn cho thấy người biểu tình phá cửa của tòa nhà này, một người đổ chất gây cháy lên xe motor cảnh sát và châm lửa. Cảnh sát đáp trả đám đông bằng dùi cui và hơi cay.
Enrique Alfaro, thống đốc bang Jalisco, quy định người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng nhằm đề phòng nCoV lây lan và những người vi phạm có thể bị bắt. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo quy định này có thể tạo điều kiện cho cảnh sát lạm quyền.
Ông Alfaro cam kết tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự việc nhưng công tố viên bang cho rằng vụ bắt giữ là vì Giovanni có "hành vi gây hấn" chứ không phải vì không đeo khẩu trang.
Hàng xóm của Giovanni kể rằng cảnh sát địa phương đã bắt nhiều người không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Tom Long, một chuyên gia về an ninh Mexico tại đại học Warwick nhận định rằng cũng như ở Mỹ, cảnh sát tại Mexico ngày càng quân sự hóa, một phần do cuộc chiến chống các băng đảng ma túy.
"Cả hai nước có lịch sử về bạo lực cảnh sát từ lâu", ông Long nói, thêm rằng nhiều lực lượng của Mexico được Mỹ huấn luyện. "Quân sự hóa là một phương pháp hướng tới bạo lực ở cảnh sát, đặc biệt nhắm vào những người nghèo khó, ít nguồn lực xã hội để buộc họ chịu trách nhiệm".
Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh cho rằng những cuộc biểu tình đường phố chống bạo lực cảnh sát không có khả năng nổ ra ở Mexico như ở Mỹ, do hành vi đối xử bất công với người nghèo thường không thu hút được quần chúng.
"Đáng tiếc là rất ít người quan tâm đến việc quyền của người nghèo bị xâm phạm ở một nước như chúng tôi", Francisco Rivas, giám đốc Cơ quan Giám sát Công dân Quốc gia Mexico, nói. "Các cộng đồng ở Mỹ phản ứng khi cảm thấy bị lạm dụng nhưng không có tính tập thể hay sự đoàn kết khi lạm dụng xảy ra ở đây".
Anh Ngọc (Theo Guardian )