Xuôi theo con đường mòn qua suối, giữa những bạt ngàn lúa đang độ chín vàng là con dốc thẳng đứng chạy lên Lìm Mông. Đường tưởng chừng như được bôi mỡ trơn tuột. Đất đỏ và đất sét quyện lại khiến những chiếc bánh xe trượt dài. Chiếc xe gầm gừ cố lao lên con dốc cho bằng được. Đường gập ghềnh cao cao thấp thấp khiến người ngồi trên xe tưởng như sắp nẩy ra ngoài. Người dân tộc chạy xe Win lao qua, con máy khỏe, leo dốc khỏe, bỏ lại đám khói bụi phía sau. Con đường như sợi chỉ thẳng đứng lên trời.
Theo tập quán, người Thái thường chọn những nơi bằng phẳng, gần nguồn nước để sinh sống, trong khi người Mông lại chọn những đỉnh núi cao, thoáng mát để làm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thói quen làm rẫy du canh du cư vẫn còn dù đã được chính phủ hỗ trợ nhiều. Người Mông xuất hiện đầu tiên ở Mèo Vạc, phía Hà Giang rồi di cư dần để có mặt ở khắp các vùng núi phía Bắc. Giờ thì số lượng người dân tộc này ở mạn Yên Bái đã sánh ngang với Mèo Vạc.
Rải rác trên khắp đất Yên Bái, trên những rẻo cao, lưng chừng giữa mây trời, những bản làng vắt vẻo. Mỗi bản người dân tộc Mông lại nằm khuất đâu đó ở một dãy núi. Để đi từ bản này sang bản kia, người ta phải vượt qua những ngọn núi cao. Bản làng cách nhau đến vài chục cây số đường đất.
Được một hồi thì cánh con gái phải xuống xe đi bộ vì xe không đủ sức cho hai người nữa. Hai đứa con gái leo lững thững với mấy cô bé của bản Lìm Mông. Đây là ngôi làng nằm ở vị trí cao nhất. Mấy em nhỏ dắt tay nhau dung dăng dung dẻ trên con đường trong khi hai đứa chúng tôi thở phì phò mới bám kịp. Không thể nói chuyện được vì các em không nói được tiếng Kinh.
Gần 3 km đi bộ rồi cũng lên đến bản Lìm Mông. Vài nếp nhà gianh nằm ẩn hiện sau mấy gốc đào, lũ lợn mọi đen trũi ì oạp ăn bữa tối. Cả bản chỉ hơn chục nóc nhà lụp xụp. Công việc chính là làm ruộng. Quanh năm chỉ có một vụ gặt cấy.
Vào mùa lúa chín, người ta lại rủ nhau đến với xứ Mù Cang Chải, leo lên tận trên những bản làng cao nhất mà ngắm nhìn xuống toàn cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất trời Yên Bái. Trên Lìm Mông, cả thung lũng vàng rực trong mùa lúa mới. Chúng tôi ngồi lại bên cây cầu bắc qua suối, ngắm trăng và hưởng hương thơm của mùa lúa mới. Hẹn gặp lại Lìm Mông một ngày gần đây, với nhiều sách vở mang lên cho các em nhỏ trong năm học mới.
Lam Linh