"Trong ngày ít nhất ba lần tôi có cảm giác này", Đức Tú, người tròn 30 tuổi hồi tháng 5, chia sẻ.
Chàng trai quê Nghệ An sống và làm việc tại Đà Nẵng 8 năm. Cảm giác chênh vênh xuất hiện hơn một năm trước, lúc cha mẹ liên tục hỏi chuyện lập gia đình.
Công việc của Tú thuộc ngành đặc thù, toàn nam giới, nửa năm ở trong rừng nên không có cơ hội tiếp xúc phái nữ. Anh thêm thiếu tự tin khi đã độc thân 7 năm. Thời gian qua Tú cố gắng kết bạn song vẫn chưa tới đâu.
"Cảm giác lo lắng, mệt mỏi còn đến từ công việc cho thu nhập ổn định nhưng chưa có thành tựu đáng kể", Tú cho hay.
Vài ngày nữa đến sinh nhật 30 tuổi nhưng Minh Trí từ chối toàn bộ những cuộc vui, tiệc tùng mà bạn bè, đồng nghiệp định tổ chức. "Với tôi 30 là cột mốc đánh dấu kết thúc tuổi vô ưu, vô lo", chàng trai giám đốc dự án của một sàn bất động sản Hà Nội nói.
Quê ở miền Trung, từ lúc mới ra thành phố đi học Trí đã luôn phấn đấu. Nghề bất động sản kiếm được tiền hơn so với bạn bè cùng tuổi, nên Trí càng say việc. Anh đã đạt được mọi dự định, từ mua nhà, xe và báo hiếu bố mẹ.
"Nhưng nhìn lại tôi chỉ thấy chênh vênh", Trí nói. Vợ con chưa có, cuộc sống chỉ quanh quẩn đi làm - về nhà - đi công tác, làm gì cũng một mình. "Giờ tôi không còn mục tiêu để cố gắng, không biết bản thân tồn tại vì điều gì, kiếm tiền vì ai", anh nói.
Chênh vênh tuổi 30 không phải cảm giác cá nhân mà đang ngày càng phổ biến. Nghiên cứu của tổ chức Relate (Anh) năm 2022 ghi nhận hiện tượng "milestone anxiety" (lo âu về cột mốc) hay "30 anxiety" (khủng hoảng tuổi 30) xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ. Khảo sát nguyên nhân cho thấy thế hệ Millennials và Gen Z đang phải chịu nhiều áp lực hơn để đạt được các cột mốc truyền thống trong đời như sinh con, kết hôn và mua nhà, so với các thế hệ trước. Cụ thể 77 % nói cảm thấy áp lực phải đạt được các cột mốc truyền thống.
Tại Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội), thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga cho biết tình trạng chung của những người trẻ tìm đến trung tâm thời gian qua là cảm giác chới với, mất phương hướng.
Có những chàng trai 30 tuổi chưa sẵn sàng với cuộc sống gia đình nhưng bạn bè xung quanh đã kết hôn hết khiến họ lạc lõng. Những cô gái đến với cùng một câu hỏi "nên theo đuổi sự nghiệp hay lấy chồng, sinh con". Lại có những người đã lập gia đình cũng rơi vào khủng hoảng liên quan đến mối quan hệ, nuôi dạy con và áp lực kinh tế.
Từ góc độ sự nghiệp, khá nhiều người ở tuổi này khủng hoảng vì nhận ra bản thân đang giậm chân tại chỗ và có thể bị đào thải bất cứ lúc nào. Một số khác thành công, kiếm tiền giỏi, vẫn không hài lòng bởi thứ đang làm không phải đam mê.
"Cảm giác khủng hoảng tuổi 30 có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ, đặc biệt trong một xã hội nhiều vấn đề từ môi trường, bệnh tật, mua nhà và chi phí nuôi con cao", bà Nga nói.
Lý giải nguyên nhân, nhà tâm lý cho biết giai đoạn 30 tuổi con người tự nhiên trở nên suy tư, trầm ổn và nghiêm túc với bản thân. Theo truyền thống, 30 cũng là độ tuổi thành gia, lập thất. Nhiều người bị choáng ngợp vì áp lực sự nghiệp, gia đình và thành tựu đè nặng.
"Xã hội tồn tại một luật bất thành văn rằng tuổi 20 có thể chơi, khám phá, có thể làm sai, nhưng qua tuổi 30 phải ổn định sự nghiệp, gia đình; khó được chấp nhận sai lầm, thất bại", chuyên gia nói.
Thêm nữa, văn hóa đương đại đang có một loạt những giải thưởng vinh danh các "under 30". Các chuyên gia cho biết điều này vô tình biến tuổi 30 thành "độ tuổi đánh dấu bước ngoặt".
Với Hải Bích, quê Phú Thọ, cảm giác khủng hoảng tuổi 30 rõ nhất là sau buổi họp lớp hè vừa qua. Bạn bè xung quanh đột nhiên toàn nói chuyện chồng con, khiến cô bỗng chốc trở thành người thừa.
Gặp lại bạn cũng khiến Bích thêm động lực phải có thành tựu cho riêng mình. Nhiều bạn bè của cô đã đứng ra làm chủ và rất thành công. Có người ngạc nhiên và giọng điệu mỉa mai khi biết Bích vẫn đang làm công ăn lương. "Tự nhiên tôi có cảm giác tự ti", cô gái từng học top đầu lớp, chia sẻ.
Bích đang làm quản lý trong một công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao, có thu nhập và đãi ngộ tốt. Một đàn anh trong nghề cũng đang rủ lập công ty riêng. Cô nửa muốn lập nghiệp, nửa đang phải chịu áp lực kết hôn, sinh con.
"Từ lúc sang tuổi 30, câu tôi được nghe được nhiều nhất là 'lấy chồng nhanh còn đẻ'", cô gái nói.
Chuyên gia Lã Linh Nga có hai lời khuyên cho những người trẻ đang khủng hoảng. Đầu tiên chúng ta nên có một tâm thế đón nhận. Cảm giác chơi vơi là chỉ báo cho chúng ta cần thay đổi.
Với những người đang lo lắng về sự nghiệp, nên đầu tư học hành, phát triển bản thân. Với những ai muốn theo đuổi đam mê thì "30 chưa phải là muộn" để bắt đầu. Nếu xác định ổn định gia đình, lẽ dĩ nhiên cần đầu tư thời gian, công sức cho nó.
Có một câu bà tâm đắc là "Cuộc đời một người có ba cuộc hôn nhân là kết hôn với công việc, với gia đình và với chính mình". Cả ba thứ này đều quan trọng nên ngoài đầu tư ổn định công việc và gia đình, mọi người cần chăm sóc và yêu bản thân hơn.
"Khi bản thân được hiểu và yêu, bạn sẽ không còn cảm giác chới với nữa", chuyên gia nói.
Với rất nhiều kỳ vọng và áp lực, gần đây Hải Bích đã tìm đến đan lát và vẽ tranh để lấy lại sự cân bằng. Khi chia sẻ với những người đi trước, cô nhận được một lời khuyên hữu ích là đừng tập trung quá nhiều vào những nỗi lo mà quên mất lợi ích của tuổi 30. Nhìn một cách tích cực, ở tuổi này cô có tích lũy tài chính vững, có nhiều trải nghiệm và các mối quan hệ tốt. Cô gái đã có kế hoạch nghỉ việc và khởi nghiệp.
Minh Trí cho biết công việc quá áp lực nên những năm qua đi làm về chỉ muốn nằm lười ở nhà. Chàng trai nhận ra cảm giác chênh vênh của mình còn do quá lâu chỉ có một lịch sinh hoạt nhàm chán nên dự định xong dự án này sẽ tự thưởng một kỳ nghỉ dài.
Riêng với Đức Tú, ban đầu anh cố gắng vứt các suy nghĩ tuổi tác khỏi đầu bằng cách đọc sách, nấu ăn, chơi game, đi bộ đường dài nhưng không thấy hiệu quả. Khi nhận ra cảm giác chênh vênh là do mình kỳ vọng quá nhiều, anh quyết định sẽ giải quyết từng cái một.
Hiện Tú ưu tiên công việc trước vì dễ thực hiện hơn. Chàng trai đang làm một số dự án lớn quốc tế, viết thêm các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín để có tiếng nói và vị thế hơn trong cộng đồng.
Anh cũng chuẩn bị xây kênh YouTube để chia sẻ về bảo vệ động vật và môi trường. "Khi đạt được thành tựu sẽ có cơ sở kiếm bạn đời dễ hơn", Tú nói.
Phan Dương