Theo văn bản này, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng thang bảng lương, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ làm cơ sở ký kết hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể.
Việc xây dựng bảo đảm nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương phải khuyến khích cho lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng. Mức thấp nhất trong thang bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng.
Đối với người làm nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm, mức lương phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường.
Thông tư cũng nêu rõ khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời và công bố trong doanh nghiệp.
Hiện các doanh nghiệp áp dụng thông tư số 13 và thông tư số 14, ban hành năm 2003 về xây dựng thang bảng lương. Nhưng do quy định còn chung chung nên nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày đã tìm cách lách luật. Họ quy định chênh lệch giữa hai bậc lương chỉ 1-3%, tương đương 10.000-20.000 đồng.
"Mức chênh lệch quá thấp đã không khuyến khích lao động làm việc, thậm chí còn gây bức xúc dẫn đến đình công", ông Nguyễn Xuân Nga, Phó ban chính sách xã hội, Tổng liên đoàn lao động VN nói tại một cuộc họp báo về điều chỉnh lương tối thiểu.
Thông tư mới này có hiệu lực từ cuối tháng 12.
Hồng Khánh