Hôm 9/1, ông Mai Xuân Phương, nguyên Vụ phó Truyền thông - Giáo dục (Cục Dân số), cho biết như trên, thêm rằng tình trạng này đã tồn tại nhiều năm dù có nhiều cảnh báo cũng như chính sách can thiệp. Việc này đe dọa sự ổn định dân số quốc gia và toàn cầu, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1, tỷ số giới tính của dân số Việt Nam là 99,2 nam/100 nữ. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 96,7 nam/100 nữ, trong khi ở nông thôn là 100,7 nam/100 nữ.
Tuy nhiên, tỷ số giới tính thay đổi theo nhóm tuổi. Nhóm 0-10 tuổi có tỷ lệ cao nhất (110,2 nam/100 nữ), trong khi nhóm từ 80 tuổi trở lên thấp nhất (53,8 nam/100 nữ). Ở nhóm 40-49 tuổi, tỷ lệ gần như cân bằng (100,8 nam/100 nữ), nhưng bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50-59 tuổi (97,3 nam/100 nữ).
Nguyên nhân chính khiến tỷ số giới tính ở nhóm 0-10 tuổi cao là do mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài. Năm 2024, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đạt 111,4 bé trai/100 bé gái, vượt xa mức cân bằng tự nhiên (khoảng 106 bé trai/100 bé gái).
Theo ông Phương, nhiều người Việt vẫn mang tâm lý chuộng con trai trong bối cảnh mức sinh giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,91 con/phụ nữ trong khi con số lý tưởng là 2,1. Nhiều gia đình, khi chỉ sinh một con, đã tìm mọi cách để lựa chọn giới tính thai nhi.
Ngoài ra, văn hóa Nho giáo với quan niệm cần con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, cùng sự đánh giá thấp vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội, càng làm gia tăng chênh lệch giới tính. Việc tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế để chẩn đoán hoặc lựa chọn giới tính thai nhi cũng dẫn đến tình trạng nạo phá thai vì lý do giới tính.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2024, cảnh báo Việt Nam đang đối mặt với tình trạng "giảm sinh, thừa nam thiếu nữ". Nếu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục ở mức cao, đến năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49, con số này sẽ tăng lên 1,8 triệu vào năm 2059.
Việc lựa chọn giới tính trước khi sinh phản ánh sự bất bình đẳng giới sâu sắc. Trong những thập kỷ tới, cấu trúc dân số sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, với số lượng nam giới vượt trội kéo dài. Theo các nhà khoa học xã hội, mất cân bằng giới tính sẽ tác động lớn đến cấu trúc gia đình và hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời, dẫn đến trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống gia đình trong tương lai.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030. Các chuyên gia nhấn mạnh cần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, khuyến khích sinh con theo quy luật tự nhiên. Đồng thời, cần xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng, xã hội.
Ngoài ra, cần thực thi nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời khuyến khích sinh hai con, đặc biệt là bé gái, để cân bằng tỷ lệ giới tính.
Lê Nga