Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới năm 2021 công bố chiều 26/10 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2019 vẫn ở mức cao, khoảng 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 bé gái sinh ra sống. Trong khi đó, tỷ số thông thường ở mức 104-106 bé trai trên 100 bé gái.
Đồng bằng sông Hồng có sự chênh lệch cao nhất, khoảng 115,5; tăng nhẹ so với mức 115,3 vào năm 2009. Trong khi đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong vòng 10 năm giảm từ 109,9 xuống còn 106,9.
Các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tập trung ở miền Bắc, gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La. Để đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 111 bé trai/100 bé gái vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ là "thách thức rất lớn", báo cáo đánh giá.
Theo các nhà nghiên cứu, tư tưởng trọng nam khinh nữ, sở thích có con trai, cùng các hành vi can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng này. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài tác động lớn đến cơ cấu dân số, dư thừa nam giới như hiện nay và những năm tới.
Tháp dân số của Việt Nam trong 10 năm qua đã có sự thu hẹp dần của nhóm từ 10 đến 24 tuổi. Cả nước dù vẫn trong giai đoạn dân số vàng, song tỷ trọng dân số các nhóm tuổi già đang tăng dần, phản ánh quá trình già hóa dân số.
Trong 10 năm qua (2009-2019), tỷ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã "giảm ấn tượng", từ 69 trường hợp trên 1000 trẻ sơ sinh xuống còn 46. Nguyên nhân là do phụ nữ có thai, sinh nở được chăm sóc sức khỏe, y tế tốt hơn. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới năm tuổi và một tuổi cũng giảm tương ứng. Song nguy cơ tử vong của trẻ em nông thôn trong độ tuổi này luôn cao gấp hai lần thành thị và nhóm trẻ dân tộc thiểu số cao gấp 1,5 lần cả nước.
Tỷ số tử vong trên người mẹ giảm còn do tỷ lệ phụ nữ có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng cao, xấp xỉ 67%. Trung du miền núi phía Bắc cao nhất, đạt hơn 70%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ, trên 62%.
Tuổi thọ của người Việt Nam xấp xỉ 74. Song mức tử vong của nam thường cao hơn nữ ở mọi độ tuổi, nên tuổi thọ của nam bình quân chỉ đạt 71 so với nữ là trên 76. Do đó, hàng triệu phụ nữ cao tuổi nhiều khả năng rơi vào tình trạng sống một mình, nên các chương trình bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe cần tổ chức tốt hơn để chăm sóc người cao tuổi tại nhà, đặc biệt là nông thôn và vùng nghèo.
Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới lần đầu tiên xây dựng tại Việt Nam còn chỉ ra nhiều chênh lệch về giới trong lĩnh vực lao động, giáo dục, y tế... Báo cáo do UN Women cùng nhiều cơ quan thực hiện, Tổng cục Thống kê hỗ trợ, trong vòng 9 tháng, từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021.
Theo bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, báo cáo chỉ ra rằng bình đẳng giới không còn là vấn đề phụ hay bên lề, mà đã trở thành cốt lõi với những tiến bộ từ thành quả phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Bà khuyến nghị nếu muốn phát triển bền vững cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới.
Trần Bích Loan, Vụ Phó Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định báo cáo gồm những số liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay, có thể dùng để xây dựng cơ sở dữ liệu bình đẳng giới ở Việt Nam thời gian tới. Đây cũng là nguồn thông tin tham khảo cho cơ quan này trong tham mưu chính sách pháp luật liên quan, nhất là Luật Bình đẳng giới sửa đổi để trình Quốc hội vào năm 2024.
Hồng Chiêu