*Trận đấu diễn ra lúc 21h hôm nay 5/8, trực tiếp trên VnExpress.
Khách sạn Perla Verde tại thị trấn miền biển Milano Marittima, miền trung Italy, không thể tin là họ được đón tiếp cùng lúc ba vị khách quý. Arrigo Sacchi, Pep Guardiola và Maurizio Sarri cùng đến đây nghỉ mát. Và Sacchi đã chủ động thu xếp một bữa ăn tối cho cả ba.
Đấy là một ngày giữa tháng 6. Đại diện của Sarri đang âm thầm làm việc với Chelsea, và thông tin đã râm ran trên báo chí. Pep Guardiola kêu gọi Sarri hãy mạnh dạn sang Anh, bởi vì “những HLV giỏi nhất nên làm việc ở giải đấu khó khăn nhất”. Cuộc nói chuyện giữa họ đêm ấy tất nhiên chỉ toàn là bóng đá. “Và Sacchi giành trả tiền ăn”, Pep tiết lộ.
Trước cuộc chạm trán đầu tiên của cả hai trên sân cỏ, Sarri và Pep luôn dành cho nhau những lời ngưỡng mộ. Sarri bảo: “Pep là HLV giỏi nhất, nếu không thì cũng là một trong những người giỏi nhất thế giới”. Pep thì ca ngợi triết lý bóng đá của Sarri và dự báo ông sẽ thành công. Sacchi, chiếc gạch nối cho hai người hồi tháng 6, cũng từng gọi Napoli của Sarri là “một kiệt tác”.
Nhưng trong cái đêm tháng 6 ấy, Sarri không hề nói cho Pep biết ông chuẩn bị nẫng tay trên Jorginho, vốn đã được Man City thương thảo hỏi mua từ sớm. Pep rất thích tiền vệ người Italy. Ông xem anh là sự thay thế hoàn hảo cho Fernandinho ở giữa sân, nhưng khi Sarri gút được thỏa thuận với Chelsea, Jorginho cũng theo ông thầy dời hộ khẩu từ Naples sang London.
Pep tất nhiên cảm thấy thất vọng, bởi vì lựa chọn thứ hai của ông cho vị trí tiền vệ mỏ neo – Fred – cũng đã sang Man Utd. Nhưng ông đón nhận thất bại trên thị trường chuyển nhượng một cách bình thản. Trước trận tranh Siêu Cup Anh hôm nay, Pep nói: “Chúng tôi đã tiến rất gần đến một thỏa thuận, nhưng Jorginho đã chọn theo Sarri. Tôi rất muốn Jorginho đến đây, nhưng cậu ấy không muốn. Việc này cũng từng xảy ra với Alexis Sanchez hồi tháng 1. Cầu thủ sẽ là người ra quyết định cuối cùng, không ai chĩa súng vào đầu và bảo họ phải đi đâu được. Nên tôi không có gì để nói thêm ngoài việc chúc Jorginho may mắn tại Chelsea. Bóng đá Anh đã có một tiền vệ phòng ngự xuất sắc”.
Ở Premier League, HLV ở các đội top 6 đều là những người xuất chúng và kiêu ngạo. Jose Mourinho chọc Antonio Conte đầu hói và từng dính dáng đến dàn xếp tỷ số. Conte bảo Mourinho là “tiểu nhân trên nhiều phương diện”. Guardiola gọi Tottenham của Mauricio Pochettino là “đội bóng của Harry Kane”, Pochettino đáp lại rằng Pep “không đáng mặt đàn ông”.
Vậy mà bây giờ, Pep và Sarri lại khen nhau với những từ ngữ mà ít khi nào họ dùng cho người khác. Họ sở hữu hai bản lý lịch khác biệt nhau hoàn toàn. Pep đã giành 23 danh hiệu lớn trong sự nghiệp, toàn cầm những đội bóng thứ dữ ở ba quốc gia khác nhau. Sarri chưa có một danh hiệu nào, gần 60 tuổi mới lần đầu làm việc ở nước ngoài. Nhưng họ lại chia sẻ với nhau cùng một triết lý bóng đá.
Pep đã nói về điều này một lần khi Man City đánh bại Napoli 2-1 ở Champions League mùa trước. Hôm ấy, Pep gọi Napoli là “đội bóng mạnh nhất mà tôi từng đối mặt trong đời”. Pep thực sự ngưỡng mộ một đội bóng mà giữa một quốc gia tôn sùng phòng ngự lại có thể chơi thứ bóng đá chủ động đến thế. Sarri thuộc nhóm HLV già, nhưng tư duy lại cực kỳ cấp tiến. Trong lúc các đối thủ ở Italy đều phòng ngự trong vòng cấm, Sarri lại đẩy hàng thủ lên cao hơn 40 mét. “Nhìn Napoli, tôi nhớ đến Milan của Sacchi trong thập niên 1990”, Pep nói hôm ấy.
Sacchi cũng là một gạch nối trong tư duy của Pep và Sarri. Có lẽ khi xem Milan của Sacchi thi đấu, họ đã yêu bóng đá hơn và tự đặt trọng trách phải bảo tồn thứ bóng đá duy mỹ ấy. Đời Pep bận rộn cỡ nào ai cũng biết, nhưng Napoli đá là ông bật tivi lên ngồi xem. Cái hôm Napoli xé toang hàng thủ Cagliari ra ngàn mảnh, Pep chịu không nổi, bốc máy gọi cho Sacchi. “Tôi đang xem thứ bóng đá hay nhất châu Âu”, Pep nói vào điện thoại.
Duyên phận, đôi khi do con người tạo ra. Khi biết Pep đến Italy nghỉ mát, Sacchi lập tức chủ trì một bữa ăn tối, tại cái nhà hàng mà mình yêu thích nhất, Perla Verde trong khu quần thể resort Milano Marittima. Năm tuần sau bữa nói chuyện ấy, Sarri được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Cheslea. Ở đó, ông sẽ cố thực hiện những gì Pep đã làm tại Man City từ hai năm trước: gột sạch tư duy của các cầu thủ để áp vào thứ bóng đá tấn công mới mẻ. Ký được với Jorginho là chiến thắng đầu tiên trước Pep. Nhưng đánh bại được Pep trong cuộc đua đường trường hay không lại là chuyện khác.
“Cậu ấy là một thiên tài, thật khó để giải thích trong đầu cậu ấy nghĩ gì,” Sarri nói về người bạn mới quen mà ngỡ đã thân lâu. “Năm đầu tiên cậu ấy gặp nhiều khó khăn. Nhưng giành 100 điểm ở mùa vừa rồi là thành tựu phi thường. Tôi nghĩ đấy là một cột mốc không thể vượt qua”.
Chelsea kết thúc mùa trước với 30 điểm kém hơn Man City. Nhưng sâu thẳm trong lòng Chủ tịch Roman Abramovich, lần thay tướng này không chỉ dừng lại ở chuyện thành tích, mà còn muốn hướng đến một việc khó hơn: cấy “DNA tấn công” vào trong cơ thể Chelsea.
“Chúng tôi trước tiên sẽ cố thu hẹp khoảng cách với nhà vô địch”, Sarri giảm bớt sự kỳ vọng. “Đây là một thử thách khó khăn, nhưng thú vị. Nước Anh quy tụ những HLV giỏi nhất thế giới và những cầu thủ mạnh nhất. Premier League theo những gì tôi thấy đã không còn thuần Anh nữa. Chính điều đó tiếp thêm cho tôi sự tự tin”.
Vậy Sarri sẽ mang tới điều gì, và triết lý của ông có gì độc đáo so với các đồng nghiêp tài danh như Pep, Conte, Pocchetino, Jurgen Klopp? Trong những buổi họp báo đầu tiên tại Anh, Sarri nhấn mạnh một chữ: “Vui”. Ông nói: “Hãy nhớ bóng đá đầu tiên, và trên hết, là một trò chơi. Bọn nhỏ chơi bóng vì chúng vui, và chúng ta cũng từng là bọn nhỏ. Bóng đá chuyên nghiệp giúp chúng ta khuếch đại mọi tiềm năng, vậy sao chúng ta không khuếch đại niềm vui trước tiên”.
Nghe sao mà ngược lại hoàn toàn với Jose Mourinho. Và khi được hỏi về cái bóng của Mourinho tại Chelsea, Sarri đã nói: “Thành tích của ông ấy không cần thêm sự giới thiệu. Với một HLV, danh hiệu là tối thượng. Nhưng triết lý của tôi gần với Guardiola hơn, dù tôi tôn trọng cả hai”.
Vậy mục tiêu của Sarri trong cuộc phiêu lưu tại Anh lần này là gì? Sarri đáp lời: “Là vui. Vui lâu nhất có thể và trụ lại ở các đấu trường lâu nhất có thể. Mục tiêu cá nhân của tôi luôn là vui. Tôi cho đấy là món quà lớn nhất trong đời. Có vẻ như ít HLV làm việc mà thấy vui, nhưng tôi có được điều đó, và sẽ cố duy trì điều đó”.
Đá bóng phải vui, câu nói nghe đơn giản này hóa ra rất khó. Mourinho không bao giờ vui, và cầu thủ của ông luôn vào trận như chiến sĩ. Klopp và Pochettino chỉ vui khi đội nhà ghi bàn. Pep thì khi đội nhà ghi bàn thấy ông cũng có vẻ... không vui. Sarri có lẽ sẽ đại diện cho một trường phái mới: lúc nào cũng vui.
Hôm nay, hành trình tìm niềm vui của Chelsea sẽ khởi đầu với trận đấu với Man City. Đá bóng phải vui, nhưng có Cúp sẽ... vui hơn. Abramovich sẽ luôn nhắc Sarri về điều đó.
Hoài Thương