![]() |
Bóng đèn nano tí hon. |
Vì kích thước của sợi nhỏ hơn cả kích thước của bước sóng ánh sáng mà nó phát ra, nên điều này sẽ rất hữu ích trong các ứng dụng cảm biến, màn hình hiển thị phẳng. Thành công mở ra một hướng ứng dụng trong việc chế tạo các thiết bị điện tử dẻo và có khả năng uốn cong.
José Moran-Mirabal và các đồng nghiệp tại trường đại học Cornell đã tạo ra sợi "bóng đèn" từ một hỗn hợp kim loại ruthenium tris-bipyridine, cùng với polyme, polyethylene oxide. Các nhà nghiên cứu thấy rằng sợi này phát ra ánh sáng màu da cam khi nó được kích thích bởi một hiệu điện thế nhỏ, vào khoảng 3–4V.
Công nghệ sử dụng để chế tạo có tên gọi Electrospinning. Moran-Mirabal mô tả công nghệ này giống như đổ xirô lên một chiếc bánh đang quay. Khi được đổ, xirô có hình dạng xoắn ốc trên mặt phẳng của chiếc bánh - hãy hình dung chiếc bánh này chính là đế với điện cực bằng vàng, còn xirô là dung dịch bao gồm polyme và hợp kim được hòa trong dung môi. Một hiệu điện thế cao được đặt vào giữa một đầu típ và đế. Nhờ sự bay hơi của dung môi, sợi sẽ được chuyển thành dạng cứng trên đế.
Nghiên cứu này đã cho thấy thiết bị phát ánh sáng có thể được tạo bằng cách sử dụng phương pháp tương đối đơn giản như trên. So với công nghệ khắc có độ phân giải cao hiện nay, thì công nghệ Electrospinning đơn giản hơn nhiều.
"Điều thú vị là chúng ta có thể tạo ra được các sợi phát ra ánh sáng siêu nhỏ một cách đơn giản, tuy nhiên lợi ích cuối cùng thu được sẽ phụ thuộc vào các quá trình phát triển sau đó và khả năng đưa ra ứng dụng sau này." Harold Craighead, giám đốc trung tâm Nanobiotechnology phát biểu.
Bùi Thắng (Theo Nanotechweb)