Anh Sơn ở huyện Hoài Đức là người đam mê chế tạo máy bay mô hình cỡ lớn và đã có 20 năm kinh nghiệm trong việc này.
Tháng 8/2020, vợ chồng anh có bé Zin, con trai đầu lòng sau nhiều năm chờ đợi. Nhiều lần đưa con xuống sân chung cư chơi, anh Sơn thấy Zin đặc biệt thích thú ôtô đồ chơi bằng điện. Ông bố nảy ra ý tưởng sử dụng kinh nghiệm làm máy bay của mình để chế một chiếc ôtô tặng con trong dịp tròn một tuổi. Ba tháng trước sinh nhật bé Zin, anh bắt tay vào "sản xuất".
"Tôi nghĩ mua xe thì quá dễ, lại không ý nghĩa, nhanh hỏng nên muốn tự làm", anh giải thích.

Anh Nguyễn Sơn điều khiển chiếc Jeep lùn cho con trai tên Zin, một tuổi, hồi cuối tháng 12/2021. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Khi đi tìm mẫu xe để chế tác mô phỏng, anh Sơn nghĩ đến chiếc Jeep M151A2 – được ví như "taxi chiến trường", từng được sử dụng trong quân đội Mỹ nhưng nay không còn sản xuất. Mẫu xe này được giới chơi ôtô cổ ở Việt Nam gọi là Jeep lùn.
Kể từ tháng 5/2021, mỗi ngày sau giờ làm, ông bố trẻ xuống xưởng chế tác máy bay mô hình để làm gầm, khung, vỏ cho xe. Trước đó, anh phải đo độ rộng của thang máy, hành lang để xe dễ dàng ra vào, tránh va chạm trong quá trình di chuyển.

Anh Sơn mất ba tháng để hoàn thiện chiếc "Jeep lùn" có tỷ lệ 1:2 so với bản gốc. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Anh Sơn nói, chế tạo ôtô cũng giống như làm máy bay mô hình, cần trải qua năm bước cơ bản: Nghiên cứu tài liệu về loại ôtô định phục dựng cùng chi tiết mô phỏng; Vẽ trên máy tính; Đưa vào máy cắt laser; Lắp ghép vỏ với khung gầm; Lắp động cơ và kết nối với bộ điều khiển.
So với các dòng xe thông thường, chiếc Jeep của anh Sơn đặc biệt hơn khi kết hợp một số bộ phận của máy bay mô hình như hệ thống lái trợ lực cho máy bay, giúp vô lăng xoay nhẹ nhàng như điều khiển xe thật, không bị giật cục.
Dù là xe đồ chơi nhưng chiếc Jeep vẫn được trang bị động cơ của xe điện chạy trong sân golf, hệ thống phanh thuỷ lực, lốp bơm hơi, hệ thống cảm biến ánh sáng, đèn led, loa bluetooth, đồng hồ cảnh báo nguồn điện... Các linh kiện này phải đặt mua do không thể tự chế tác.
Riêng phần thân vỏ anh dùng nhựa fomex dày 5 mm, sau khi nghiên cứu kích thước, sẽ vẽ trên autocard và cắt bằng máy CNC. Phần vỏ được lắp ráp phải phun nhiều lớp sơn mới ra màu xanh nhám như xe thật.
Tròn ba tháng chế tạo, chiếc xe ra đời với trọng lượng 50 kg, chịu được tải trọng một tấn, nhỏ bằng 1/2 xe thật, ắc quy có thể chạy liên tục 40-50 km và được chế thêm bộ điều tốc cho phù hợp với trẻ em. Tổng chi phí cho chiếc xe khoảng 60 triệu đồng.
Thấy xe đẹp nhiều người ngỏ ý đặt mua nhưng anh Sơn không bán. Anh mong món quà sinh nhật tặng con là độc nhất, thể hiện tình cảm của bố mẹ với bé Zin, thay vì kinh doanh kiếm lời. "Mà cũng ít người bỏ đến vài chục triệu đồng để mua ô tô đồ chơi", anh nói.
Thấy bé Zin có hứng thú với đồ chế tạo, anh Sơn nói đợi khi con lớn sẽ đưa xuống xưởng thiết kế máy bay mô hình để làm quen. "Chẳng còn gì tuyệt hơn khi hai bố con cùng chung sở thích", anh cười.
Quỳnh Nguyễn