Những năm gần đây, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chính, là cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang. Cây chè đã góp phần nâng cao thu nhập cho hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số vùng chè từng bước vươn lên.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Hà Giang có nhiều sản phẩm chè nổi tiếng đã được người tiêu dùng ưa thích như sản phẩm chè Phìn Hò (Hoàng Su Phì), chè Lũng Phìn (huyện Đồng Văn), chè Hoàng Long (xã Hùng An - huyện Bắc Quang). Song một sản phẩm chè đặc trưng của Hà Giang, đó là chè Shan Cao Bồ (huyện Vị Xuyên) đã vươn xa ra thị trường thế giới, chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Để đạt đuợc kết quả là doanh nghiệp nhiều năm liền được Bộ Công Thương công nhận "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín." Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hùng Cường (huyện Vị Xuyên - Hà Giang) nhiều năm qua chú trọng đầu tư cho công nghệ, lắp đặt hệ thống nhà xưởng và dây chuyền chế biến chè theo công nghệ CTC đồng bộ, khép kín của Ấn Độ nhằm chế biến các sản phẩm chè chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.
Được thành lập năm 1998, gần 15 năm qua Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hùng Cường đã gây dựng được 5 nhà máy chế biến chè ở Hà Giang, công suất mỗi nhà máy trung bình đạt 20 tấn chè tươi/ngày; mỗi năm, công ty xuất khẩu gần 2.000 tấn chè. Để đưa sản phẩm chè của Hà Giang vươn ra thị trường thế giới, công ty đã tập trung đầu tư vào giống chè Shan hữu cơ tại xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên) nhằm cho ra đời sản phẩm chè thành phẩm chất lượng cao.
Được sự giúp đỡ của dự án chè Shan do Quỹ thách thức (VCF) tài trợ, công ty đã triển khai dự án kinh doanh sản xuất chè cùng người nghèo thông qua mô hình xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ tại xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên). Đặc điểm của mô hình này là từ khâu gieo trồng, thu hái, sơ chế cho tới khi thành phẩm, sản phẩm chè Shan tuyết 100% không sử dụng thuốc hóa học, không sử dụng hóa chất bảo quản.
Khi dự án triển khai đã có 645 hộ là người dân tộc Dao ở xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên) tham gia dự án. Công ty đã phân chia số hộ tham gia thành 11 tổ và người trưởng thôn sẽ là người đứng ra làm việc với doanh nghiệp để tiến hành thu mua sản phẩm chè tươi cho bà con nông dân. Doanh nghiệp đã cử các cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hái chè đúng kỹ thuật để cho sản phẩm chè đạt chất lượng cao.
Trước đây khi chưa triển khai thực hiện dự án, bà con thường đi bộ hàng chục kilômét xuống huyện để bán chè, nay doanh nghiệp đã có các ôtô tải nhẹ về tận các điểm thu mua. Nhờ có sự triển khai đồng bộ, cây chè Shan tuyết Cao Bồ ngày càng phát triển, cho năng suất, giá trị cao. Thu nhập từ cây chè đã dần đem lại cho bà con dân tộc Dao nơi đây có một cuộc sống ổn định. Họ không phải lên rừng lấy củi bán, học sinh đến tuổi được đến trường, bà con yên tâm gắn bó với việc phát triển cây chè, ổn định cuộc sống.
Sản phẩm trà Shan tuyết Cao Bồ. |
Theo đánh giá của ông Buddhika Samarasinghe, Trưởng nhóm tư vấn dự án Quỹ thách thức (VCF) “Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo, giai đoạn 2 M4P2”: Việc chuyển đổi canh tác truyền thống gắn với những tiến bộ khoa học sang canh tác hữu cơ là rất thuận lợi. Đây là một xu hướng mới, đem lại lợi ích chung cho môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng cao, nhằm duy trì sức khỏe con người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả các thành phần tham gia, hướng tới nền sản xuất bền vững.
Vượt qua bao khó khăn thử thách, đến nay Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hùng Cường đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu sản xuất trà hữu cơ tại vùng chè Cao Bồ. Vùng sản xuất chè Cao Bồ đã được tổ chức Liên đoàn hữu cơ quốc tế IFOM cấp chứng nhận trà hữu cơ - Organic Cao Bồ.
Chứng chỉ hữu cơ Organic càng làm cho uy tín của chè Hùng Cường ngày càng nâng cao hơn. Các sản phẩm chè Organic Cao Bồ - Hà Giang đều đạt sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khách hàng một số thị trường khó tính như Đức, Anh, Mỹ, Canada và một số nước Đông Âu.
Giá bán các mặt hàng trà hữu cơ Organic Cao Bồ loại cao cấp được tính theo giá CIP từ 6.000 đến 8.000 USD/tấn, trong khi đó giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ mới đứng ở mức 1.300 đến 1.500 USD/tấn. Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hùng Cường cho biết chuỗi giá trị chè Shan của Công ty đã không ngừng tăng lên, từ 3-4 USD/kg đã tăng lên 6-10 USD/kg. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm tổng sản lượng chè của công ty đạt trên 2.000 tấn, đem về cho công ty doanh thu trên 60 tỷ đồng/năm.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, công ty đã thu mua gần 750 tấn chè búp tươi của các hộ nông dân tham gia dự giá, tổng giá trị đạt trên 7,5 tỷ đồng. Doanh thu từ cây chè đã đạt trung bình từ 15 triệu đồng/hộ/năm. Đây là kết quả rất có ý nghĩa đối với bà con dân tộc Dao nơi đây vì Cao Bồ là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên, nơi đây tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 40%.
Một trong những hộ có nguồn thu nhập lớn từ việc tham gia dự án sản xuất chè Shan hữu cơ tại xã Cao Bồ, chị Đặng Thị Niệp, dân tộc Dao cho biết gia đình chị có 6ha chè Shan đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Mỗi năm chè Shan cho thu hái 4 vụ, với giá bán cho công ty trung bình 10.000 đồng/kg chè búp tươi, thu nhập từ trồng chè của gia đình đạt trên 60 triệu đồng/năm. Từ cây chè, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định, các cháu được đi học đến trường, mua sắm được một số đồ dùng sinh hoạt gia đình như xe máy, tivi...
Theo VietnamPlus