Sáng 2/10, Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội tổ chức họp báo công bố kết quả thử nghiệm chế phẩm Redoxy-3C của Đức vào giải cứu hồ ô nhiễm thời gian qua.
Theo báo cáo, Hà Nội đang áp dụng chế phẩm này với trên 80 hồ nội thành, bước đầu cho kết quả khả quan. Mùi hôi tanh không còn, màu nước hồ ngày càng trong, chỉ tiêu oxy hoà tan tăng từ 2-3mg/l lên 8-9mg/l. Các chỉ tiêu vi sinh vật, chất thải rắn rắn lơ lửng trong nước... đều giảm và đạt chuẩn cho phép.
Quan trắc thành phần và mật độ thực vật, động vật nổi, nhóm nghiên cứu nhận thấy chế phẩm "về cơ bản không ảnh hưởng thành phần các loài thực vật nổi, chỉ giảm mật độ thực vật nổi, hạn chế tình trạng phú dưỡng".
Ông Phan Hoài Minh, phó tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội chủ trương bằng mọi cách giải cứu các hồ nên đã mời công ty của Đức nghiên cứu riêng một chế phẩm độc quyền. Công ty thoát nước Hà Nội cùng một số sở, ngành được giao nhiệm vụ lập tổ công tác giám sát.
"Trước khi thử nghiệm trên các hồ, tổ công tác đã lấy mẫu nước Hồ Tây, Hồ Gươm và Ba Mẫu thử nghiệm trong téc tại trụ sở UBND thành phố, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Hà Nội và nhà khoa học , kết quả rất khả quan", ông Minh khẳng định.
Theo ông Minh, khi Hồ Tây xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, dưới chỉ đạo của UBND TP, một lượng chế phẩm đã được sục xuống cùng hệ thống máy sục khí, bước đầu cho kết quả khả quan, lượng oxy trong Hồ Tây tăng cao. "Tuy nhiên, cần phân tích và có phương án cụ thể hơn trước khi áp dụng với diện tích mặt nước lớn như Hồ Tây", ông Minh nói.
Đánh giá hiệu quả và những tác động của chế phẩm này đến môi trường, GS.TS Trịnh Thị Thanh (nguyên Trưởng Khoa Công nghệ, ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia) cho biết chế phẩm không chứa chất độc hại, giúp hàm lượng oxy trong nước tăng cao. Việc này kéo theo các hoạt động tích cực khác của môi trường nước hồ.
"Để cẩn trọng hơn, chúng tôi vừa làm vừa phân tích thêm tại các phòng thí nghiệm chéo để đảm bảo tính khách quan, qua vài tháng thử nghiệm chưa phát hiện điều gì lo ngại", bà nói thêm.
Về việc lựa chọn nhà thầu Đức, Công ty thoát nước lý giải thành phố dựa trên các đánh giá về chi phí, tính hiệu quả và thương hiệu. "Đảm bảo chi phí sử dụng chế phẩm của Đức giảm nhiều lần so với các loại chế phẩm của Bỉ, Nhật và một số nước Châu Âu. Tuy vậy, đây là lần đầu thử nghiệm Công ty phải phối hợp với các sở chức năng báo cáo thành phố trước khi công bố chi phí cụ thể", ông Minh cho hay.
Theo kế hoạch, năm 2017, Hà Nội tiếp tục triển khai chế phẩm làm sạch ở các hồ còn lại, trong đó có Hồ Tây và Hồ Gươm.
Báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, nội thành có 112 hồ bị ô nhiễm trên tổng số 120 hồ được khảo sát, ngoại thành có 140/150 hồ ô nhiễm. Nước các hồ này có mật độ tảo dày đặc, mùi tanh thối, ô nhiễm hữu cơ cao gấp từ 2 đến 10 lần.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã mời một công ty ở Đức đến Hà Nội nghiên cứu, sản xuất chế phẩm xử lý làm sạch nước hồ tại Thủ đô. Trong tháng 7, chế phẩm Redoxy-3C được tạo ra và Chủ tịch Hà Nội giao cho Công ty thoát nước thử nghiệm. Đây sẽ là sản phẩm công nghệ độc quyền của UBND TP Hà Nội. |
Bá Đô