Trí thông minh phần lớn là do di truyền (gen) tạo ra. Tuy nhiên, dinh dưỡng trong bào thai và sáu năm đầu tiên là giai đoạn quan trọng để hình thành, phát triển não bộ và hệ thống thần kinh hoàn thiện. Chế độ dinh dưỡng thông minh phải đáp ứng đầy đủ các dưỡng chất cơ bản như bột đường, đạm, béo, các loại vitamin và khoáng chất, chất xơ… Bộ não chỉ sử dụng một loại nguyên liệu duy nhất để sinh năng lượng là đường glucose. Các dưỡng chất quan trọng như iốt, sắt sẽ đóng góp vào sự phát triển của não bộ, còn kẽm và vitamin B12 sẽ kích thích sự phát triển của năng lực nhận thức ở não. Bên cạnh đó, các kiến thức và kỹ năng về dinh dưỡng cũng cần được hiểu biết chính xác và khoa học như cho trẻ ăn đúng thời điểm, đủ số lượng và đủ chất, ăn đa dạng… để bé phát triển.
Thực phẩm đầu tiên cần thiết cho hoạt động của trí não là chất béo (cả chất béo no, béo không no, cholesterol…trong mỡ cá, dầu thực vật, mỡ heo…) để hình thành hệ thần kinh, màng tế bào và sợi thần kinh.
Thức ăn duy nhất của não là chất đường glucose được cung cấp từ cơm, cháo, bún, mì, khoai, chè, bánh,... Não không có khả năng dự trữ đường nên cần được cung cấp thường xuyên từ lượng đường trong máu đưa đến não. Vì vậy trẻ cần ăn đủ 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ giữa các bữa chính để duy trì đường huyết. Não cũng cần các acid amin từ thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa,… để hoạt động linh hoạt và minh mẫn.
Chất sắt là nguyên liệu để tạo não và tế bào hồng cầu trong máu để nuôi dưỡng cơ thể. Sắt có nhiều trong thịt, gan, huyết, lòng đỏ trứng, cá… và hấp thu dễ dàng nếu có vitamin C (trong rau, trái cây) hiện diện trong bữa ăn.
Kẽm liên quan đến hơn 300 enzyme trong cơ thể, có tác dụng cải thiện sự ngon miệng, giúp ngủ ngon, phục hồi vết thương, lành sẹo, tăng trưởng trẻ em, góp phần vào những hoạt động nhận thức bình thường của não bộ như ghi nhớ, khả năng tập trung và lập luận. Ngoài ra, việc cung cấp iốt đầy đủ liên tục giúp hình thành não bộ hoàn chỉnh. Iốt cũng là nguyên liệu để tổng hợp hormone tuyến giáp rất cần thiết cho tăng trưởng và sự sống. Các vitamin và khoáng chất khác như vitamin nhóm B, vitamin B12, vitamin E, … cũng có tác động lên hoạt động não bộ.
Được cô đặc và lên men từ sữa, phô mai là một chế phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng của sữa. Khi trẻ tròn sáu tháng tuổi, ngoài việc bú sữa mẹ, cần được cho ăn dặm thêm để cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất để tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Khi mới tập con ăn phô mai, phụ huynh cho trẻ một vài miếng nhỏ, một lần trong ngày. Các thức ăn bình thường vẫn duy trì như cũ (bột, cháo, sữa, trái cây tươi). Chú ý lúc này không tập một lúc với những thức ăn mới khác mà phải để trẻ có 3-5 ngày quen dần với phô mai và sau đó mới tập một lọai thức ăn khác. Trong quá trình theo dõi sự tiêu hóa phô mai, mẹ quan tâm đến các dấu hiệu như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, bỏ ăn, dị ứng nổi mề đai… ở trẻ nếu có xảy ra. Nếu thấy trẻ vẫn ăn bú chơi bình thường thì có thể tăng dần dần lượng phô mai theo sở thích và khả năng tiêu hóa của bé.
Phô mai có thể được ăn trong bữa phụ hoặc bổ sung thêm dinh dưỡng cho bữa chính. Trẻ có thể ăn mỗi lần 1-2 cục phô mai tùy vào độ tuổi và nhu cầu dinh dưỡng cần tăng cân nhiều hay không. Để trẻ có chế độ ăn cân đối, mỗi ngày có thể cho trẻ ăn một hoặc tối đa 2 lần, mỗi tuần ăn vài ngày nếu thích.
Một chén cháo đủ dinh dưỡng cho trẻ cần khoảng 30gram đạm từ thịt, cá và 10-15ml dầu ăn, nếu sử dụng phô mai thêm sẽ tăng thêm lượng đạm và béo trong khẩu phần. Trẻ lớn ăn phô mai sau ăn cơm hay trong bữa phụ cũng là cách để cung cấp thêm năng lượng cho trẻ tăng cân.
Bên cạnh việc ăn phô mai trực tiếp, mẹ có thể cho bé dùng chung với những trái cây, bánh mì hoặc chế biến thành các món ăn như xíu mại, trứng chiên… giúp bé ngon miệng hơn.
Phương Thảo