Sự tích lũy về dinh dưỡng ở trẻ, nhất là lứa tuổi từ mầm non đến tiểu học tạo cơ hội cho trẻ phát triển chiều cao, cân nặng, trí não. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ mầm non, tiểu học là một phần trong giáo dục học đường. Ngoài đảm bảo thực đơn đủ chất, nhà trường còn giảng dạy, lồng ghép kiến thức dinh dưỡng, tổ chức trò chơi... giúp trẻ chủ động và dần hình thành thói quen ăn uống tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Linh, công tác tại Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk, có không ít học sinh tuổi học đường đang chịu "gánh nặng kép" về suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì. Thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh, trong khi suy dinh dưỡng thấp còi vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin A, kẽm, i-ốt phổ biến ở trẻ học đường. Đây là yếu tố nguy cơ và nguyên nhân liên quan đến tăng trưởng chiều cao chậm, suy dinh dưỡng thấp còi.
Bác sĩ Vũ Linh cho biết, để trẻ vui khỏe, có năng lượng học tốt, khẩu phần ăn cần đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và các thành phần dưỡng chất. Bữa ăn cân đối 4 nhóm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất; tăng cường thực phẩm giàu chất xơ - lợi khuẩn đường ruột; các chất có lợi cho trí não như i-ốt, sắt; canxi, vitamin giúp phát triển chiều cao.
Chất đạm: đạm động vật có trong thịt, cá, tôm, trứng, sữa... và đạm thực vật có trong đậu hũ, các loại đậu..., tuy nhiên trẻ nhỏ thường ít chịu dùng đạm thực vật. Giáo viên, phụ huynh cần giáo dục cho trẻ kiến thức dinh dưỡng hợp lý để bé dùng chất đạm đủ, đa dạng chủng loại, hạn chế bệnh lý liên quan thừa, thiếu đạm. Duy trì thể trạng cân đối lượng đạm giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động ổn định, phòng chống virus, vi khuẩn...
Chất béo: có nhiều trong dầu thực vật, mỡ cá, mỡ động vật... ưu tiên chất béo từ thực vật và chất béo từ cá cung cấp nhiều omega-3 có lợi cho cơ thể. Nhu cầu chất béo ở trẻ nhỏ cao hơn trẻ lớn. Nếu trẻ lớn tiêu thụ nhiều chất béo động vật sẽ dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, tăng cholesterol, không tốt cho tim mạch.
I-ốt: cần thiết cho tuyến giáp trạng, góp phần cung cấp nội tiết tố kích thích sự tăng trưởng cả thể chất và trí lực. Thiếu i-ốt có thể gây bệnh bướu cổ, đần độn, kém thông minh. Dùng muối i-ốt là giải pháp cho vấn đề này.
Sắt: có nhiều trong các loại đạm động vật màu đỏ và các loại rau có màu xanh đậm. Trẻ em hay thiếu sắt do tăng nhu cầu mà lượng dùng hạn chế, thiếu sắt gây thiếu máu, làm trẻ chậm phát triển về thể chất, nhận thức, chậm chạp, trí nhớ kém hay buồn ngủ.
Kẽm: hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, miễn dịch, da niêm, chức năng đường tiêu hóa... Kẽm có nhiều trong thịt đỏ, sò, hào, mầm giá đỗ, các loại hạt dẻ, hạt bí... Khi khả năng dự trữ kẽm của cơ thể thấp, trẻ cần có chế độ ăn giàu kẽm thường xuyên.
Sự tăng trưởng dinh dưỡng của xương đòi hỏi nhiều chất như protein, canxi, kẽm, vitamin C, A, D, K... Trong đó, canxi, vitamin D3 và vitamin K2 - bộ ba vi chất quan trọng giúp trẻ tăng chiều cao; nếu thiếu hụt có thể khiến còi xương, chậm lớn, hạn chế sự phát triển. Canxi, vitamin D có nhiều trong sữa, sữa chua, phô mai... Thực phẩm giàu canxi còn có trong hải sản, rau lá xanh...
Giúp trẻ thích thú với việc ăn uống
Để trẻ ăn uống ngon miệng khi ở trường hay ở nhà, giáo viên, bố mẹ nên tập cho trẻ những thói quen tốt như không ăn quà vặt, tránh món quá ngọt, cay, béo... Trẻ nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, phối hợp thực phẩm nguồn động và thực vật. Thay đổi thực đơn thường xuyên và có cách chế biến phù hợp, không cho bé ăn mãi một món trẻ thích vì lâu ngày sẽ thiếu một số chất và dẫn đến biếng ăn. Ngoài các bữa ăn chính nên bổ sung bữa ăn phụ phù hợp với trẻ, nhất là sữa.
Trong sữa có rất nhiều vi chất như canxi, vitamin D, vitamin nhóm B, sắt, kẽm... có lợi cho sự phát triển thể chất, chiều cao của trẻ. Bên cạnh ăn uống đủ chất, uống sữa đều đặn và chơi thể thao có thể giúp trẻ phát triển tốt hơn, hạn chế tình trạng thiếu vi chất.
Theo cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2 (TP HCM), món ăn của trẻ tại trường mầm non không lặp lại trong tuần. Nhà trường tổ chức bữa ăn đầy đủ 4 nhóm để có đủ dinh dưỡng, năng lượng cho trẻ. Với trẻ thừa cân, béo phì, trường lưu ý tăng cường vận động cho bé. Cô giáo còn quan tâm nhiều hơn đến những em biếng ăn, có nhiều tuyệt chiêu hiệu quả để khuyến khích bé ăn, không thỏa hiệp với bé. Từ lớp mầm, các bé được giáo dục kiến thức dinh dưỡng cơ bản, lên lớp chồi sẽ tăng cường hơn, đến lớp lá các bé có thể biết một số thực phẩm có lợi cho da, mắt, trí não...
Ngoài bữa trưa, trẻ còn có bữa phụ và bổ sung nguồn sữa từ chương trình sữa học đường. Với sữa, đa phần trẻ đều thích và tự giác uống khi đến giờ uống sữa học đường. Cô giáo còn tổ chức nhiều trò chơi nhỏ như chia thành từng nhóm, đố kiến thức dinh dưỡng, thi tài để bé uống, thích thú với hoạt động này.
Một tiến sĩ giáo dục cho biết, mô hình giáo dục dinh dưỡng học đường cho học sinh qua trò chơi rất bổ ích, giúp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, nâng cao tầm vóc. Bên cạnh nỗ lực của các bộ, ngành, việc trang bị kiến thức cho em cần chú trọng từ nhà trường và phụ huynh.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Linh chia sẻ thêm, trẻ mầm non, tiểu học (lớp 1, 2) thường hay có hiện tượng ở trường ăn ngoan, về nhà lại không chịu ăn. Vấn đề này thường có nhiều lý do như:
Tâm lý: lứa tuổi này trẻ thường có tính bắt chước, thi đua, muốn bằng hay thậm chí muốn hơn bạn bè nên bạn ăn nhanh bé cũng ăn nhanh, bạn ăn hết bé cũng muốn ăn hết. Ngoài ra, bé còn thích thú với các trò chơi ở trường hoặc sợ cô giáo nên tuân thủ các "quy định" cô đưa ra. Khi về nhà, trẻ không có bạn bè để thi đua và thường được ba mẹ hoặc ông bà chìu chuộng, dẫn đến ít nghe lời.
Thói quen ăn uống: ở trường, trẻ phải ăn đúng giờ, không ăn vặt trước bữa ăn, bữa ăn thường có đủ 4 nhóm thực phẩm. Vì vậy, bố mẹ phải duy trì các thói quen tốt này, không để trẻ tự ý ăn các món ăn vặt trước bữa hay chỉ cho bé dùng một vài món trẻ thích. Cha mẹ nên tập cho bé ăn đầy đủ như ở trường.
Chế độ dinh dưỡng cân đối và cách chế biến phù hợp ở trường thường được xây dựng phù hợp với từng nhóm tuổi. Phụ huynh cũng nên học hỏi, có thể nhờ sự tư vấn thêm của giáo viên, cán bộ y tế ở trường hoặc bác sĩ dinh dưỡng.
Kim Uyên