Điểm khác biệt giữa phở Việt nấu theo cách truyền thống và phở Halal là phần thịt bò được chế biến và nấu bởi người Hồi giáo (Halal có nghĩa là được phép trong tiếng Ả Rập, nhằm xác định tính phù hợp của một sản phẩm để tiêu dùng theo luật Hồi giáo).
Theo ông Ahmed, chủ nhà hàng Ai Cập Alsultan, trước khi luộc, thịt bò sẽ được tẩy rửa để loại bỏ phần chất bẩn trong thịt. Sau đó, thịt được ninh tiếp khoảng 5 - 8 giờ đến khi chín mềm. Các nguyên liệu như hành tây, gừng, thảo quả, quế, hoa hồi, rau mùi, hành lá, hạt tiêu... và cách nấu truyền thống vẫn được giữ nguyên để đảm bảo hương vị phở Việt.
![Đầu bếp người Hồi giáo chế biến phở tại nhà hàng trưa 30/11. Ảnh: Ngân Dương](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2020/11/30/Pho-Viet-2382-1606740320.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JKqgF1xcC0_qOxqsndnv9w)
Đầu bếp người Hồi giáo chế biến phở trong Diễn đàn "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam" diễn ra ngày 30/11. Ảnh: Ngân Dương
Ông Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho biết: "Năm 2019, có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới theo đạo Hồi, tương đương 24% dân số toàn cầu. Việc phát triển các món ăn được chế biến theo quy trình Halal sẽ thu hút thêm nhiều du khách từ các nước đạo Hồi, từ đó đẩy mạnh du lịch".
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ: "Người Hồi giáo rất khó phân biệt sản phẩm nào là Halal, sản phẩm nào không phải Halal. Do đó, các sản phẩm phải sử dụng logo chứng nhận Halal để tạo niềm tin và đảm bảo cho tiêu dùng của họ".
Theo ông Mohammed Omar, Giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal Việt Nam, sản phẩm Halal được xác nhận không có các thành phần Haram (bị cấm) và đảm bảo sự tinh khiết trong quá trình sản xuất. Có 5 bước để một sản phẩm được chứng nhận đạt quy trình Halal. Thứ nhất, người sản xuất phải có tinh thần trung thực, có đức tin và tự giác tuân thủ theo đúng luật Hồi giáo. Thứ hai, không sử dụng nguyên liệu chứa dẫn xuất của rượu, thịt lợn, một số loại động vật bị cấm hoặc hoặc động vật giết mổ không theo nghi thức đạo Hồi (zabihah). Thứ ba, các thiết bị sử dụng chế biến phải tách biệt, không dùng chung để chế biến sản phẩm khác, nếu nhiễm bẩn phải tẩy rửa theo nguyên tắc Hồi giáo và chỉ được tẩy rửa 1 lần duy nhất. Thứ 4, phải tách biệt giữa người nấu đồ ăn Halal và người nấu các món không Halal. Thứ 5, khâu quản lý từ khi sản xuất đến lúc vận chuyển cũng phải đảm bảo tuân thủ luật Hồi giáo.
Ngoài ra, thiết kế nhãn, bao bì sản phẩm cũng không đi ngược lại các nguyên tắc luật Hồi giáo cũng như không quảng cáo các hình ảnh nhạy cảm liên quan đến phụ nữ, tôn giáo khác trên bao bì sản phẩm...
Ngân Dương
Diễn đàn "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam" do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức. Chương trình có sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực, ngoại giao đoàn, đại diện Bộ, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế.
Ngoài giới thiệu món phở, diễn đàn cũng tổ chức các phiên thảo luận giữa các đại biểu về nguyên tắc, kinh nghiệm về cách sản xuất, phục vụ và tiềm năng của các sản phẩm Halal.