![]() |
Laurent Kabila. |
Trước đó, một thành viên giấu tên trong đoàn tuỳ tùng của Tổng thống cho biết ông Kabila đã bị một vệ sĩ riêng bắn vào lưng và chân phải, vẫn còn sống và đang được chữa trị tại bệnh viện trung tâm của Kinshasa. Tướng Francois Olenga khẳng định: “Tổng thống còn sống và mọi chuyện đều ổn”.
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Nội vụ Congo, Gaetan Kakudji, cho biết ông Kabila, với tư cách “Tư lệnh tối cao Lực lượng vũ trang Congo”, đã ban lệnh giới nghiêm từ 8h tối đến 6h sáng hôm sau để đảm bảo an toàn cho thủ đô. Điều đó có nghĩa là Tổng thống vẫn đang điều khiển đất nước, tin về cái chết của ông chỉ là đồn nhảm.
Trưa hôm qua, khu vực xung quanh dinh tổng thống ở Kinshasa có nhiều tiếng súng nổ, kéo dài trong khoảng một giờ. Không có thông tin gì về các vùng lân cận. Sau khi tình hình yên tĩnh trở lại, Đại tá Eddy Kapend, Chánh văn phòng Tổng thống, đã đề nghị các công dân Congo bình tĩnh, “giữ trật tự”. Một chiếc trực thăng của Tổng thống hạ cánh trước cửa bệnh viện chính của Kinshasa. Nhiều người cho rằng trực thăng chở con trai ông Kabila, một thành viên trong quân đội Congo.
Những thông tin đầu tiên về cái chết của Tổng thống Kabila phát đi từ hai nước láng giềng Uganda và Rwanda. Cơ quan tình báo cấp cao của Uganda khẳng định: “Chắc chắn một trăm phần trăm là Kabila đã chết”.
Hiện tại, chính quyền CHDC Congo đã ra lệnh đóng tất cả cửa khẩu biển, trên không và trong đất liền vào Kinshasa. Quân đội đang kiểm soát các sân bay của thủ đô. Mạng dây điện thoại tạm thời bị cắt. Nhiều chương trình phát thanh, truyền hình bị gián đoạn. Tuy nhiên, tình hình ở thủ đô vẫn yên tĩnh, nhiều đường phố vắng người. Rất đông binh lính tập trung canh gác Điện Cẩm thạch, dinh thự của Tổng thống ở trung tâm Kinshasa.
Sau khi được biết về tình hình bất ổn ở CHDC Congo, Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo đã quyết định huỷ bỏ kế hoạch đi thăm Kinshasa.
Quá khứ không yên bình
CHDC Congo đã rơi vào tình trạng hỗn loạn từ năm 1996, khi quân nổi dậy do Rwanda và Uganda hậu thuẫn phát động chiến tranh chống lại Tổng thống Mobutu Sese Seko. Cuộc nội chiến kéo dài 7 tháng này kết thúc bằng việc ông Kabila lên nắm chính quyền vào năm 1997. Nhưng chỉ một năm sau, đến lượt Kabila phải đối đầu với một cuộc nổi dậy mới vẫn do hai nước láng giềng Uganda và Rwanda hậu thuẫn.
Có ít nhất 6 nước châu Phi đang tham gia vào nội chiến ở Congo, trong đó, Angola, Namibia và Zimbabwe ủng hộ chính phủ, các nước khác lại giúp đỡ quân nổi dậy. Năm ngoái, Kabila đã ký với lực lượng chống đối một hiệp định hòa bình, nhưng không xoay chuyển được tình hình. Xung đột vẫn tiếp diễn. Cả hai bên tham chiến đều buộc tội bên kia phá hiệp định. Hiện nay, gần nửa lãnh thổ Congo nằm dưới quyền kiểm soát của nhiều lực lượng khác nhau.
Đoan Trang (theo BBC, CNN, 17/1).