Ngày cuối năm, gió rét căm căm, không khí xuân tràn ngập phố phường. Trong căn nhà nhỏ ở góc chợ Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An), ông Đặng Sĩ Ngọc kể về cuộc đời chiến trường với giọng chầm chậm, đôi tai “nghễnh ngãng” vì sức ép của đạn bom.
Sinh năm 1948 tại xã nghèo Ân Phú (Vũ Quang, Hà Tĩnh), ngay từ nhỏ cậu bé Đặng Sĩ Ngọc đã học rất giỏi, mê thơ văn, thích viết lách. Là con trai duy nhất trong gia đình, Đặng Sĩ Ngọc thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự. Nhưng tháng 8/1966, khi cuộc kháng chiến đang bước sang giai đoạn cam go, chàng thanh niên 18 tuổi viết quyết tâm thư xin được ra chiến trường.
![]() |
Những ngày cận Tết, ông Ngọc đang cố gắng chạy xe ôm để ra Tết đi tìm đồng đội. Ảnh: Nguyên Khoa |
Tháng 3/1967, với hành trang là chiếc ba lô, mấy quyển sổ và cây bút, Đặng Sĩ Ngọc gác bút nghiên lên đường, trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 324, trực tiếp chiến đấu tại tọa độ lửa Quảng Trị, nơi bộ đội “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”.
Trong trận đánh đầu tiên vào tháng 5/1967, người lính trẻ Đặng Sĩ Ngọc bị thương nặng khi đang chặn bước tiến của địch tại đồi 56, huyện Gio Linh. Cũng trong năm 1967, Ngọc bị thương lần hai, phải chuyển ra Bắc điều trị trong tình trạng chấn thương nặng ở ổ bụng, hai tai điếc đặc…
Điều trị xong, dù được khuyên ở lại hậu phương, nhưng Ngọc xin trở lại chiến trường và được phân vào đơn vị pháo cao xạ thuộc Sư đoàn 673. Sau đó, Đặng Sĩ Ngọc thêm 4 lần nữa hút chết vì trúng bom của địch.
“Tôi thấy đau đớn nhất là trận bom vào ngày 20/7/1972. Sau khi trúng bom B52, hai đồng đội ngồi cạnh tôi trong trận địa hy sinh mà không kịp nói lời nào. Tôi được đưa ra Bắc điều trị với vết băng bó toàn thân. Điều này cũng có nghĩa là cơ hội trở lại chiến trường sẽ chấm dứt. Người lính trong chiến trận mà phải trở về hậu phương thì coi như anh ta đã chết”, ông Ngọc kể lại.
Sau 8 lần phẫn thuật chân phải để lấy mảnh bom, đạn ra khỏi chân, Đặng Sĩ Ngọc đã thu hết giấy chứng thương trước đây rồi xin hội đồng giám định giảm tỷ lệ thương tật xuống để được tiếp tục ra trận. Nhưng với tình trạng mất 81% sức khỏe, ông không thể trở lại chiến trường và phải có người chăm sóc. “Nhận kết quả, tôi như đứt từng khúc ruột. Trúng bom trúng đạn cũng không đau đớn bằng lúc nhận quyết định vào trại an dưỡng”, ông Ngọc kể.
![]() |
Chiếc ống tiết kiệm bằng tre của người thương binh già. Ảnh: N.K. |
Thời gian điều trị tại Trạm điều dưỡng thương binh Quân Khu 4, Đặng Sĩ Ngọc gặp lại chị Nguyễn Thị Vân, cô gái cùng trường năm xưa giờ đã trở thành nữ điều dưỡng. Vốn cảm phục chàng trai yêu văn thơ, học giỏi từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, chị Vân đã yêu người thương binh. Năm 1975, họ tổ chức đám cưới, sau đó ông Ngọc xin rời khỏi trạm thương binh, trở về sống với vợ con.
Chồng là thương binh nặng, lương của vợ ba cọc ba đồng, không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 3 người con ăn học, ông Ngọc quyết tâm ra đường hành nghề xe ôm kiếm sống. Hơn 10 năm nay, người dân TP Vinh đã quen với hình ảnh người thương binh già với đôi tai điếc đặc cùng chiếc xe máy cũ kỹ đứng đợi khách ở cổng Bệnh viện đa khoa Nghệ An và cổng chợ Hưng Dũng.
Sau này khi cả 3 người con đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, nhiều người khuyên bỏ nghề xe ôm, nhưng ông Ngọc nhất quyết không. “Mình còn sức, phải lao động để làm gương cho con cái và quan trọng hơn từ ngày chạy xe ôm đã giúp tôi có được chút tiền để làm từ thiện và đi tìm đồng đội đã hy sinh”, ông Ngọc giải thích.
Sau những cuốc xe ôm, ông Ngọc đều cho hết tiền vào ống tre tiết kiệm. Khi đầy, ông lại bổ ra để làm lộ phí đi tìm mộ đồng đội. “Lần đầu tiên cách đây 4 năm, đi làm về thấy nhà trống trơn, không thấy chồng đâu, sang hôm sau cũng không thấy về, cả gia đình hoảng loạn thật sự, cứ nghĩ ông ấy có chuyện gì. Khi đang thắp hương cầu khấn thì nhận được điện thoại của ông ấy thông báo là đi tìm mộ đồng đội ở Quảng Trị”, bà Nguyễn Thị Vân, vợ ông Ngọc, kể lại.
Nghe vợ nói, ông Ngọc cười xòa khoe đã tìm được 6 ngôi mộ đồng đội, trong đó 5 mộ đã được thân nhân liệt sĩ đưa về quê an táng.
![]() |
Ông Ngọc với cuốn nhật ký chiến tranh "Trời xanh không biên giới". Ảnh: N.K. |
Bước sang tuổi 63, đôi tai điếc đặc, thỉnh thoảng vết thương tái phát, nhưng ông Ngọc vẫn miệt mài chạy xe ôm. Ông khẳng định sẽ chạy đến giờ phút cuối cùng của năm để ra Tết, khi tiết trời ấm áp sẽ lên đường đi tìm mộ liệt sĩ.
"Những ngày Tết này, tôi nhớ đồng đội kinh khủng, thương nhất là người hy sinh mà chưa tìm được mộ. Trong khi chúng ta đang được sum vầy bên gia đình, vợ con đón giao thừa ấm áp thì họ đang nằm rải rác đâu đó trên các mảnh đất quê hương. Trong mỗi giấc mơ của tôi đều có hình ảnh của họ", người thương binh già tâm sự.
Cùng với một gia đình hạnh phúc thì người lính già năm xưa tự hào nhất sau những năm ở chiến trường là 19 tập nhật ký chiến tranh được viết lại một cách tỉ mỉ, đầy cảm xúc. Năm 2006, nhà văn Đặng Vương Hưng đã biên soạn 3 cuốn nhật ký, xuất bản thành sách nhật ký chiến tranh “Trời xanh không biên giới” nằm trong tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” khiến hàng triệu con tim xúc động. Với thành tích trong chiến tranh cũng như tham gia tích cực các hoạt động xã hội, ông Đặng Sĩ Ngọc đã nhận được hàng chục giấy khen, bằng khen, hàng chục huân, huy chương, kỷ niệm chương cùng huy hiệu các loại, như: 2 huân chương kháng chiến hạng II, III; huân chương chiến sĩ vẻ vang; bằng khen của Thủ tướng, bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An… |
Nguyên Khoa