Thuở còn là học sinh phổ thông, Phạm Thị Bích Thủy học giỏi đều các môn, đặc biệt là Toán học. Nhưng khi thi vào trường chuyên, cô lại đỗ vào lớp chuyên ngữ sau đó được cử đi học đại học ở Liên Xô. Sau nhiều lần thay đổi các ban học, cuối cùng cô nhập vai sinh viên Đại học sư phạm quốc gia A. I Gersen, khoa Tiếng Nga và Văn học.
Văn học Nga, đặc biệt văn học cổ điển với những tên tuổi lẫy lừng: Dostoyevski, A.Poushkine, Lev Tolstoi, A. Tchékhov, I. Tourguéniev... là một cánh rừng đại ngàn trùng trùng điệp điệp. Đọc trực tiếp nguyên bản kiệt tác của các cây đại bút này, lần đầu tiên tâm trí cô mở ra chân trời bát ngát cùng những cảm xúc nhân văn chứa chan và khát khao niềm chia sẻ. Văn học Nga để lại ấn tượng thẩm mỹ huy hoàng và một cách tự nhiên cảm hứng sáng tạo lặng lẽ lắng đọng trong tâm hồn cô.
Năm 1985, Thủy về nước trở thành cô giáo dạy Văn học Nga. Hiểu biết và nhạy bén, cô tham gia lĩnh vực kinh tế, được các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đón nhận. Bích Thủy từng trải qua nhiều công việc: làm tư vấn cho Tập đoàn Prime, Công ty sữa Hanoimilk, sáng tạo ra những nhân vật thương mại nổi tiếng đầu những năm 2000 như Izzi, Zinzin, làm trưởng đại diện cho Tập đoàn Tate & Lyle Đường mía Anh Quốc, Tập đoàn Coca Cola, tập đoàn Nestlé, tổng Giám đốc cho Double A... và bây giờ cô đang làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia về đồ uống của Anh.
Sống, làm việc, suy nghĩ mải mê, cho đến một lúc nào đó, cô bỗng nhận ra trong con người mình lâu nay vẫn âm ỉ nhu cầu được bộc lộ, được tỏ bày. Và Thủy bắt đầu viết, bằng tất cả những trải nghiệm của chính mình.
Truyện ngắn hay là truyện ngắn tỏa hương, có độ ngân rung, có dư ba. Truyện ngắn của Thủy như những truyện Công nhân dây chuyền giày, Log book, Đậu phụ, Casablanca, Thời đại Internet, Báo tin cho Hạnh phúc, Bình yên... là những truyện rất ít chữ, nhưng đạt yêu cầu ấy. Kiệm lời, hàm súc, loại truyện này là những lát cắt gọn ghẽ, có sức gợi của ngụ ngôn, cho thấy một vài đặc điểm của cuộc sống hiện đại hôm nay, và đọc xong, gấp sách lại, hơn cả trách móc, trong ta còn lại một nụ cười hóm hỉnh trên môi. Thủy kể: "Những ngày đi làm công nhân trong nhà máy sản xuất giầy tại Liên Xô hồi còn du học, người thợ luôn chân luôn tay, trong một hoạt động có tính cơ giới, như Sác-lô trong phim Thời đại mới, là cái ám ảnh, gợi ý tôi viết truyện ngắn Công nhân dây chuyền giầy".
Lớp truyện thứ hai trong tập Chạy trốn có dung lượng dầy dặn hơn và mang lại hiệu quả nghệ thuật khác. Đó là À í a, Thằng Tê, Ăn cắp, Chạy trốn. Một làng quê bao năm càng lúc càng tiêu điều xơ xác trong nghèo nàn, khổ mà không biết là mình khổ, với cái kết là bài hát À í a mở rộng một không gian mênh mang nỗi buồn.
Chiến tranh và số phận bi thương của những người trong cuộc, hiện hình tập trung trong một chú bé mang một cái tên phiếm chỉ "Thằng Tê" sao mà thảm thê vậy. Những cuộc bàn thảo dông dài về một chuyện cỏn con trong tập thể, chỉ là để duy danh định nghĩa thế nào là kẻ cắp, đã tự phơi bầy cái nhàm tẻ, vô nghĩa và cả giả dối của một cuộc sống bệnh hoạn mà không biết đó là bệnh hoạn. Cuộc chạy trốn khỏi đói nghèo khốn khổ trong truyện ngắn cùng tên ở tập này là thảm cảnh buồn đến tê nhức vì còn mang một hình thái bất ngờ khác, qua số phận một thiếu nữ nông thôn trong cảnh bần hàn hoàn toàn bế tắc.
Văn học luôn là một trường liên tưởng. Đọc À í a lại chợt nhớ tới cảm giác bùi ngùi xót xa như khi đọc Cố hương của Lỗ Tấn. Đọc Ăn cắp, qua cái cách diễn tả dề dà một cách có dụng ý nghệ thuật, thấy thấp thoáng cách viết châm biếm chua cay ở những trang văn cổ điển nào đó của các bậc đàn anh. Cũng thuộc loại tư duy truyền thống trong sáng tạo là Hết nến, và một số truyện nữa, từ cách cảm, chọn đề tài, đặt tên truyện, cách dựng tình huống và hiệu quả nghệ thuật là những xúc động tràn đầy tình thương yêu. Mới hay, đằng sau câu chữ là cái tảng băng chìm của sức thẩm thấu. Mới hay, người viết quan sát cuộc sống bằng con mắt, nhưng cảm nhận thì phải bằng trái tim. Mới hay, chỉ trở thành người viết thực sự là người biết bồi đắp năng khiếu ban đầu của mình.
Nghệ thuật luôn đặt giá trị ở tầm vóc các trang viết. Đọc truyện của Thủy, không thấy dấu vết của sự non nớt, cẩu thả. Thủy viết khá chắc tay. Các thủ pháp kể, dựng, tả, luận hài hòa trong thuần thục và tinh tế. Mạch văn của Thủy dồi dào, tươi tắn, tự nhiên, thoải mái, như viết bằng trực giác, bằng bản năng.
Trả lời câu hỏi đang là nhà kinh doanh bận rộn, vì sao lại còn viết văn? Thủy đáp: "Vì cùng với khát vọng về một cái đẹp cố gắng theo đuổi, được sống yêu thương đến cùng cực, tôi nhận ra, nhờ viết văn tôi trở nên thông minh hơn, logic hơn, kiên nhẫn đến lì lợm và luôn sẵn sàng đón nhận cuộc sống tràn đầy lòng nhân ái và tích cực". Với nghề văn một khi đã dấn thân, không thể không thi gan mà làm! Đó là điều căn dặn của người xưa. Điều này hiển nhiên là Thủy đã biết, có thể là kể từ khi cô bắt đầu dợm chân bước vào quá trình chuẩn bị một cách không tự biết. Tất nhiên, với văn chương thì cả cuộc đời người viết phải là sự tích tụ và tập rèn.
Nhà văn Ma Văn Kháng