Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết Khoa Thận Lọc máu những năm qua hoạt động hết công suất vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận của bệnh nhân, với gần 250 ca mỗi tuần.
Năm 2016, bệnh viện xây dựng trung tâm lọc máu chất lượng cao, hợp tác với Nhật Bản, màng lọc chỉ sử dụng một lần. Điều này giúp nâng cao chất lượng chạy thận, thu hút nhiều bệnh nhân cùng chuyên gia nước ngoài đang sinh sống hay đến Việt Nam làm việc, du lịch. Tuy nhiên vì chỉ sử dụng màng lọc một lần nên chi phí khá cao với thu nhập của nhiều người dân Việt.
Theo bác sĩ Chiến, bệnh viện hợp tác với một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất vật tư y tế, đặc biệt là sản phẩm cho lọc máu, thiết lập Khu lọc máu theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Công nghệ giúp chất lượng chạy thận nhân tạo vẫn duy trì ở mức cao và giá thành dễ tiếp cận hơn, từ đó kéo dài cuộc sống chất lượng cho nhiều bệnh nhân.
"Khu mới có 16 máy được nhập nguyên kiện từ Nhật Bản, hệ thống xử lý nước, các thiết bị màng lọc, dây lọc, kim lọc đều của Nhật, với công suất phục vụ được khoảng 100 bệnh nhân chạy thận mỗi tuần", bác sĩ Chiến nói. Nhật Bản là một trong các quốc gia có chất lượng lọc máu tốt nhất thế giới.
Bệnh viện cũng thành lập hai phòng chạy thận ở mức dịch vụ cao cấp có phòng riêng, tiện nghi, có màn hình xem tin tức giải trí, phục vụ bữa ăn nhẹ trong lúc lọc máu
Phó giáo sư Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Thận Lọc máu TP HCM, cố vấn của bệnh viện, cho biết một số nước tiên tiến chỉ dùng màng lọc một lần. Dù vậy việc sử dụng lại màng lọc trên thế giới vẫn còn tương đối phổ biến. Bảo hiểm y tế Việt Nam hiện nay thanh toán màng lọc mỗi 6 lần sử dụng.
"Dù sử dụng màng lọc 6 lần vẫn đảm bảo chất lượng nhưng nhiều bệnh nhân không thích, muốn thay mới sau một lần hay ba lần dùng", phó giáo sư Bùi nói. Bệnh nhân phải tự thanh toán thêm chi phí màng lọc không được bảo hiểm chi trả.
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nếu không có điều kiện ghép thận, phải dựa vào lọc máu định kỳ. Nếu lọc máu đạt chuẩn bệnh nhân có thể kéo dài cuộc sống 30-40 năm. Trong đó chất lượng nước lọc thận rất quan trọng, nếu không đảm bảo dễ gây các biến chứng như hội chứng ống cổ tay, nhiễm trùng, viêm dây thần kinh, ngứa, suy dinh dưỡng..., ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tính mạng người bệnh.
Theo giáo sư Bùi, trước đây đa số nước RO xử lý xong đựng trong thùng lớn, từ đó phân phối đi. Dù đã khử trùng nhưng không tránh khỏi nguy cơ vi khuẩn tiếp tục sinh sôi trong bồn chứa. Hiện nay nước xử lý xong được phân phối trực tiếp đến tất cả các máy chạy thận, không chứa trong bồn.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng đánh giá cao những nỗ lực của bệnh viện trong chăm sóc sức khỏe bệnh nhân suy thận. "Việc hợp tác với đơn vị uy tín của Nhật Bản trong điều kiện bệnh viện công lập còn nhiều khó khăn là hướng đi rất đáng quan tâm, là mô hình để các bệnh viện khác học tập", ông Thượng nói, và đề nghị bệnh viện tăng cường giao lưu học hỏi những tiến bộ của y tế Nhật Bản.
Ông Lê Hoà Bình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, mong muốn bệnh viện tiếp tục phát triển sáng tạo, trở thành nơi có nhiều trang thiết bị, trung tâm chuyên sâu, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là đơn vị được Sở Y tế TP HCM giao nhiệm vụ chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân nhập cảnh trong thời gian Covid-19. Khoa Thận Lọc máu tham gia nhiều nghiên cứu khoa học đa trung tâm, đa quốc gia, được Bộ Y tế công nhận là một trong các đơn vị đào tạo cấp chứng chỉ và chứng nhận đào tạo liên tục trong lĩnh vực Thận học - Lọc máu.