Biết tới tiền số từ giữa năm 2021, Tùng từng bỏ vào hơn 20 triệu đồng để "đầu tư cho vui", nhưng bị lỗ quá nửa khi thị trường lao dốc hai năm sau đó. Giữa năm ngoái, khi thị trường ấm dần, Tùng trở lại. Lần này, toàn bộ 250 triệu tiết kiệm và đầu tư chứng khoán được anh chuyển vào thị trường tiền điện tử.
Tham gia nhiều hội nhóm, Tùng thấy việc mua và nắm giữ - chiến lược đầu tư ban đầu - trở nên "nhạt nhẽo". Mức biến động 10-15% sau vài ngày, vài tuần đã hơn nhiều kênh đầu tư khác, nhưng với anh là không đủ. Nhìn những người khoe lệnh lãi hàng trăm, hàng nghìn phần trăm trong vài ngày, thậm chí vài giờ, Tùng bị hấp dẫn. Từ việc mua và nắm giữ, nhà đầu tư 28 tuổi này chuyển sang giao dịch các hợp đồng tương lai, với đòn bẩy lớn.
Nhưng trong một thị trường được ví là "hoang dã" như tiền số, với mức độ biến động cao và khó dự đoán, dùng đòn bẩy như "con dao hai lưỡi".
Ban đầu, Tùng kiếm lời khá nhiều nhờ đi theo xu hướng chung, với tỷ lệ đòn bẩy vừa phải. Cảm thấy cơ hội ngon ăn, anh dần tăng tỷ lệ đòn bẩy lên cao, lên 10 rồi 20 lần với các đồng tiền khác (altcoin). Riêng với Bitcoin, nhiều khi Tùng đánh đòn bẩy tối đa (125 lần vốn).
Khi Bitcoin giao dịch quanh vùng 51.000-52.000 USD, Tùng đổi sang mở vị thế bán (short). "Ai cũng nghĩ Bitcoin sẽ chỉnh mạnh vì đã tăng liên tục, nhiều người còn khẳng định kèo này chắc ăn, khỏi cần chặn lỗ (stop loss)", Tùng nói. Nhưng Bitcoin đã đi ngược dự đoán, Tùng bắt buộc phải cắt lỗ do dùng đòn bẩy quá cao. Toàn bộ lợi nhuận từ tháng 12/2023 đến đầu năm 2024, cùng 30% vốn, đã "bay" theo lệnh short BTC.
Càng lỗ, Tùng càng ham gỡ. Tâm lý không ổn định khiến anh liên tiếp phạm sai lầm, 70% vốn còn lại bốc hơi chỉ sau hơn một giờ giao dịch liên tục. Trong một ngày, Tùng đánh mất toàn bộ tích lũy.
Khác với Thanh Tùng, Anh Duy chọn đúng xu hướng, nhưng vẫn "cháy" tài khoản vì dùng đòn bẩy quá cao.
Duy mở vị thế mua (long) với một loạt altcoin vốn hóa trung bình, đòn bẩy 10-20 lần sau khi Bitcoin tăng mạnh, với kỳ vọng thị trường sớm bùng nổ theo đà. Anh tin rằng mình đã ở một vị thế đủ đẹp, đến mức không cần phải cắt lỗ. Nhưng đêm 28/2, tài khoản hơn 70 triệu của Anh Duy "bốc hơi" trong vài phút, khi Bitcoin vọt lên 60.000 USD nhưng một loạt altcoin lao dốc không phanh. Toàn bộ vị thế với mức đòn bẩy 10-20 lần bị thanh lý khi các đồng tiền rơi hơn 10% trong khung thời gian tính bằng giây.
Việc phải thanh lý xảy ra khi một sàn giao dịch đóng vị thế có đòn bẩy do nhà giao dịch bị mất một phần hoặc toàn bộ số tiền ký quỹ ban đầu, khiến họ không đáp ứng các yêu cầu để duy trì. Theo Coinglass, trong đêm ngày 28/2, gần 700 triệu USD các vị thế long-short trên thị trường tiền điện tử đã bị thanh lý. Trong khi các vị thế short Bitcoin bị đóng hàng loạt, thì các vị thế mua (long) với altcoin chịu chung số phận.
"Mọi người cứ nghĩ Bitcoin tăng liên tục thế thì ai cũng lãi. Nhưng việc tài khoản không tăng, thậm chí còn 'cháy tài khoản' khi uptrend không khó để thấy", Hà Lê, một nhà giao dịch nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường, cho hay.
Việc mua và nắm giữ cũng có rủi ro, nhiều đồng tiền số không bao giờ trở lại mức đỉnh, hoặc ảnh hưởng từ những sự việc bất ngờ, như "sập" sàn FTX. Nhưng so với cách này, dùng đòn bẩy trên thị trường tiền số có mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều, đặc biệt khi nhà đầu tư kỳ vọng "đổi đời trong vài phút".
"Nếu chứng khoán biến động 3-5% đã được xem là nhiều, thì ở thị trường tiền số, 15-20% trong vài phút không hiếm. Với mức độ biến động trên 10% như tối ngày 28/2, nhà đầu tư chỉ cần dùng đòn bẩy 8 lần đã có thể cháy tài khoản, chưa nói tới mức độ cao hơn", Hà Lê nói.
Câu chuyện của Thanh Tùng không phải hiếm với những nhà đầu tư tiền số trong vài ngày qua. Bởi, không nhiều trong số họ giữ được kỷ luật hoặc chọn cách tiết chế lòng tham trên thị trường này.
Từng dùng đòn bẩy cao trong giao dịch và cũng mất gần hết vốn, nhưng khác Thanh Tùng hay Anh Duy, Duy Minh trở nên thận trọng hơn trước những nhịp sóng tăng của thị trường. Anh có một nguyên tắc là hạn chế giao dịch khi thị trường biến động mạnh, chỉ giải ngân từng phần khi thị trường ổn định và luôn chốt lời - cắt lỗ theo chiến lược đã đề ra.
"Fomo (sợ bị bỏ lỡ cơ hội) là kẻ thù của nhà đầu tư. Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu lợi nhuận, vấn đề là giữ được bao nhiêu và mức độ ổn định như thế nào", Minh cho hay.
Thống kê của Coin98 Insights cho thấy 64% nhà đầu tư tiền số ở Việt Nam không có lời, trong đó gần 44% lỗ trong năm qua, dựa trên 1.200 mẫu khảo sát thực hiện vào tháng 12/2023.
Lý do lớn nhất khiến người chơi mất tiền năm qua là tâm lý Fomo chiếm 29,7%, và họ không có kế hoạch giao dịch kỹ lưỡng (35,7%). Ngoài ra, nhà đầu tư cũng không phản ứng kịp trước những sự kiện bất ngờ của thị trường (14,8%), dùng đòn bẩy không hợp lý (13,5%), bị lừa đảo hoặc bị hack (5,7%). Điểm chung của nhà đầu tư Việt là thường kết hợp nhiều yếu tố, cân nhắc các khía cạnh trước khi ra quyết định.
Minh Sơn