Gần Tết năm nào, Minh Hòa, 44 tuổi, làm trong một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội cũng chuẩn bị 6 giỏ quà, giá 2-5 triệu để tặng sếp và các mối quan hệ ngoài.
"Biết sếp thích hải sản, năm nay tôi đặt một thùng cua bể loại 1 ở Hải Phòng lên biếu sớm thay vì rượu bia như mọi năm", Hòa nói. Đã ba, bốn lần tìm đến nhà mà cô không gặp được sếp. Thùng cua bị chở đi chở lại đã chết già nửa, cô đành bỏ tủ đông ăn dần.
"Mệt mỏi hơn cả là giờ lại phải nghĩ mua gì để hợp sở thích, gây ấn tượng với người được biếu. Vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền", chị than thở.
Hai tháng trước Tết Nguyên đán, Quốc Toản cùng đồng nghiệp lập danh sách, chuẩn bị 150 giỏ quà Tết, mỗi giỏ trên dưới 4 triệu đồng, tặng đối tác quan trọng. Riêng anh được giao nhiệm vụ phải đưa 30 suất đến tận tay người nhận ở quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận.
"Giống như một cuộc chạy marathon, mệt mỏi, dài đằng đẵng và vô số lần muốn bỏ cuộc mà không được", anh Toản, 40 tuổi, trưởng phòng đối ngoại của một doanh nghiệp ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nói về những chuyến đi cả trăm cây số mỗi ngày dịp cận Tết.
Sau nhiều năm kinh nghiệm, anh Toản luôn để quà sẵn trong cốp xe, đánh dấu từng túi để tránh biếu nhầm. Không ít lần anh di chuyển cả trăm km để có một cuộc gặp chớp nhoáng tại quán cà phê hay nơi vắng vẻ, tránh bị để ý. Nhiều bữa, anh chỉ lót dạ bằng bánh mì và nước suối để kịp giờ hẹn khách.
Biếu, tặng quà là việc làm quen thuộc của nhiều người trong những dịp đặc biệt, ví dụ Tết. Hạ Viên, chủ một cửa hàng nông sản tại quận 10 (TP HCM), cho biết năm nay lượng khách mua giỏ trái cây nhập khẩu làm quà tặng tăng 20% so với 2021. Các mặt hàng gia công, đặc sản vùng miền cũng được nhiều người chọn mua làm quà biếu Tết, giá từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng. "Năm nay, phần lớn là các công ty đặt số lượng lớn làm quà biếu đối tác, khách hàng. Nhóm khách mua lẻ ít hơn", chị Viên nói.
Chia sẻ trên VnExpress hôm 21/12 về sức mua hộp quà tết, các hệ thống siêu thị cho biết, mãi lực tiêu dùng chậm hơn so với các năm trước dù còn một tháng trước Tết Nguyên đán. Nhưng nhóm phân khúc bình dân đang có mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina nói sức mua đang tăng khá nhanh trong tuần hai tháng 12. Ngoài bán tại các siêu thị, bộ sản phẩm hộp quà Tết giá từ 70.000 đồng đến 500.000 đồng được nhiều doanh nghiệp đặt hàng sớm. Đơn vị đang vận hành hết công suất 32 dây chuyền sản xuất, mục tiêu đáp ứng nhu cầu tăng trưởng thêm từ nhóm khách hàng doanh nghiệp, dự kiến trên 200%.
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, biếu tặng cấp trên, đối tác hay người thân... dịp cuối năm là thói quen có từ lâu đời nhằm thể hiện sự biết ơn, tri ân với người khác. Đây là hành vi tích cực, từ thiện và tốt đẹp, nhưng đang bị biến tướng thành biếu xén vụ lợi.
"Nhìn gói quà Tết tưởng nhỏ nhưng lại khiến người biếu, tặng đau đầu suy nghĩ nên chọn gì; tiêu tốn nhiều thời gian di chuyển; thâm hụt kinh tế; gây ảnh hưởng đến công việc chính...", ông Vĩ chia sẻ.
Minh Hòa cho biết, để các gói quà đến được tay người nhận, chị phải xin lịch họp và công tác từ thư ký của các lãnh đạo sau đó lập kế hoạch đi những đâu, qua tuyến phố nào để tiện đường, gặp được nhiều người nhất. Công việc cần giải quyết phải chờ đến nửa đêm khiến chị luôn trong tình trạng uể oải, thiếu ngủ, hay cáu gắt vô cớ, không thể tập trung.
Nhưng dù lập sẵn lịch trình, không hiếm lần Hòa phải chầu trực cả buổi trước cổng nhà sếp mà không có kết quả. "Tôi muốn cảm ơn lãnh đạo đã giúp đỡ trong năm qua, hy vọng được tiếp tục tạo điều kiện trong năm tới chứ chẳng ai muốn vừa mất tiền vừa cực thân", bà mẹ hai con giãi bày.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, suy nghĩ của chị Hòa giống với đa số người lao động hiện nay, bởi thực tế nhiều lãnh đạo vẫn điều hành bằng cảm tính thì biếu xén là cách để rộng đường thăng tiến. "Chưa kể trong nhiều lĩnh vực, hiệu suất làm việc đo bằng sự hài lòng của sếp. Cùng một vị trí, công việc nhưng sếp sẽ chọn giao việc (kèm lợi ích) cho người làm họ hài lòng", ông Tú nói.
Không chỉ mệt mỏi bởi mất thời gian di chuyển, áp lực công việc cuối năm, suy nghĩ xem đối tác thích gì cũng khiến người tặng điên đầu. Như anh Toản, hai tháng trước Tết đã phải lên danh sách đối tác, khách hàng cần tặng, phân cấp độ từ ít quan trọng đến quan trọng để định giá quà tặng.
Nhưng để có được món quà đúng ý, khiến đối tác hài lòng và không trùng với các năm trước, anh cùng các đồng nghiệp phải hỏi dò, thu thập thông tin qua những lần gặp trước. "Có quan hệ tốt, công việc mới hanh thông, tránh được những phiền phức không đáng có", anh chia sẻ.
Ngoài tốn thời gian, mệt mỏi về trí óc, 15 suất quà Tết cho cấp trên và họ hàng trị giá cả chục triệu đồng còn khiến Quỳnh Trang, 28 tuổi, ở Hà Nội lao đao về kinh tế. Trang nói, đây là năm đầu tiên vào công ty nên muốn tặng quà tỏ lòng thành với lãnh đạo. Chưa kể, gia đình có lệ con cháu đã đi làm phải tặng quà họ hàng cuối năm, khiến người mới đi làm như cô phải cân đo đong đếm từng đồng.
"Tặng quà đơn giản sợ bị chê, sang trọng quá kinh tế không đủ. Chẳng ít lần tôi phải vay tiền bạn bè để tiêu tạm", cô kể.
Trước những áp lực về thời gian, tiền bạc, chất xám cho cuộc chạy đua biếu quà Tết, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng cần phải thay đổi tư duy, thói quen tặng quà. Theo ông, quà Tết không phải là chuẩn mực đánh giá năng lực của một người, công cụ giúp xí xóa khi nhân viên mắc lỗi hay thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, phát triển. Nếu thấy không phù hợp, nên từ chối tham gia, thay vì cổ xúy cho thói xu nịnh. Còn trong trường hợp vẫn muốn tặng quà tri ân, bày tỏ tình cảm, nên tìm một dịp thích hợp, nhưng cần đề cao tấm chân tình, để chúng trở về đúng giá trị và ý nghĩa ban đầu.
Điều này trùng với khảo sát hôm 23/12 của VnExpress trên gần 2.000 độc giả. Trước câu hỏi về "hành vi tặng quà sếp trước Tết", 55% nói nên dẹp bỏ, 43% cho biết chỉ tặng cho những người thực sự yêu mến và chỉ 2% ủng hộ.
Từ ngày chuyển sang làm việc tại công ty nước ngoài hai năm trước, Thanh Thúy, 30 tuổi, ở quận Phú Nhuận (TP HCM) đã dừng việc biếu xén bởi thấy phí phạm thời gian, tiền bạc và không hợp văn hóa nơi làm việc.
"Mọi người hay nói tặng quà để lấy lòng, nếu có mắc lỗi sếp cũng bỏ qua, nhưng tôi cho rằng nếu có năng lực sẽ không phải cầu cạnh ai nên chỉ cần tặng quà dựa trên phương diện tình cảm", chị nói và cho rằng nếu quý mến nhau, lúc nào tặng quà cũng được, không riêng dịp cuối năm.
Không chỉ các cá nhân, một số công ty cũng bắt đầu chuyển hình thức tặng quà khi dần nhận ra sự bất cập của biếu xén quà Tết. Mỗi cuối năm, anh Nguyễn Thanh Quân, trợ lý giám đốc một công ty du lịch tại TP HCM sẽ phải liên hệ gần chục cửa hàng để chọn 200 suất quà Tết tặng đối tác, khách hàng. Do công ty quy mô nhỏ, ít nhân sự nên vấn đề chuẩn bị quà và đi tặng đều do anh đảm nhận.
Mỗi cuối năm, ngoài TP HCM, Quân liên tục phải xuống Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... biếu quà. "Nhưng tình trạng này xảy ra liên tục khiến bữa cơm gia đình tôi luôn nguội lạnh. Năm đầu tiên kết hôn, tôi còn phải hủy lịch đi trăng mật khiến vợ giận suốt Tết. Nhưng tính chất công việc là vậy nên đành chấp nhận", anh kể.
Sau hai năm dịch bệnh cộng với tình hình kinh doanh không khởi sắc, ban giám đốc công ty anh Quân quyết định chuyển sang hình thức gửi thiệp online tri ân khách hàng từ Tết 2023, nhằm tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cho nhân viên.
"Tôi nghĩ đôi khi giá trị món quà không phải là tất cả, hơn nhau là ở tấm lòng. Một câu chúc tốt đẹp cho một cái Tết thật vui. Có lẽ đây là cái Tết đầu tiên khiến tôi thoải mái nhất trong 5 năm qua", anh nói.
Hải Hiền - Minh Tâm - Quỳnh Nguyễn