Hãng dự báo thời tiết tư nhân AccuWeather vừa nâng ước tính tổng thiệt hại và tổn thất kinh tế từ vụ cháy rừng ở Los Angeles lên mức 250-275 tỷ USD, so với dự báo cuối tuần trước là 135-150 tỷ USD.
Con số cập nhật mới nhất đưa vụ cháy trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ, vượt qua cơn bão Katrina năm 2005.
Ngân hàng J.P. Morgan cũng đưa ra con số 250 tỷ USD. "Cháy rừng tại Los Angeles đang trở thành thảm họa khí hậu tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, không chỉ vì quy mô mà còn vì giá trị cao của các bất động sản bị phá hủy", nhà kinh tế Abiel Reinhart của J.P. Morgan nhận định.
Đến nay, ước tính hơn 12.000 công trình bị phá hủy. Vài nghìn người đã được phép trở về nhà nhưng 88.000 vẫn phải tuân theo lệnh sơ tán với 84.000 người khác đang trong tình trạng cảnh báo sơ tán.
Theo các nhà kinh tế, với những tổn thất ước tính đến nay, vụ cháy rừng ở Los Angeles có thể làm tăng nhẹ lạm phát và giảm tốc độ tuyển dụng. Tuy nhiên, mức độ tác động không đủ lớn để thay đổi căn bản triển vọng nền kinh tế Mỹ năm nay.
Chuyên gia Abiel Reinhart cho rằng tác động chỉ ngắn hạn lên GDP, với việc làm và lạm phát quốc gia sẽ không ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt khi so sánh với quy mô nền kinh tế Mỹ gần 30.000 tỷ USD vào năm 2023.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cũng đồng tình, dựa trên kinh nghiệm từ các thảm họa tự nhiên trước đây. Họ dự báo tăng trưởng quý I giảm 0,2 điểm phần trăm, nếu không được bù đắp bởi các hoạt động tái thiết. Số lượng việc làm mới tháng này có thể giảm từ 15.000 đến 25.000, tương đối nhỏ so với 256.000 việc làm được tạo ra vào tháng 12.
Morgan Stanley dự đoán tương tự, với mức giảm 20.000–40.000 việc làm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát dự kiến nhích nhẹ 0,04–0,09 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xe mới và đã qua sử dụng tăng lên sau thảm họa. "Chúng tôi nhận thấy giá ôtô tăng mạnh hơn sau các vụ cháy rừng, trong khi giá hàng hóa cốt lõi (trừ ôtô) không bị ảnh hưởng nhiều", các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận định.
Nhà kinh tế Abiel Reinhart của J.P. Morgan dự đoán áp lực tăng giá cục bộ với tiền thuê nhà, vật liệu xây dựng và lao động trong lĩnh vực xây dựng, nhưng tác động ở cấp quốc gia vẫn rất hạn chế.
Mặc dù vụ cháy rừng có tác động kinh tế tương đối nhỏ, chúng xảy ra khi kinh tế Mỹ bước vào năm 2025 với đà tăng trưởng mạnh và lạm phát dai dẳng. Theo Reuters, thảm họa này càng làm gia tăng sự bất định trong kinh tế, vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự trở lại của ông Donald Trump.
Năm 2025, kinh tế Mỹ được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 2,2%. Goldman Sachs lạc quan hơn với mức 2,5%, trong khi báo cáo "Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới" của Liên hợp quốc (UN) cho rằng sẽ đạt 1,9%.
Trong khi đó, khảo sát 50 nhà kinh tế hàng đầu của Cục Dự trữ liên bang chi nhánh St. Louis (Fed St. Louis), kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay đạt 2,1%, tỷ lệ thất nghiệp trung bình 4,3% và lạm phát (CPI) giảm nhẹ xuống 2,4%.
Phiên An (theo Reuters)