Thông tin do ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng Phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim, cung cấp chiều 12/6, sau một ngày rừng ở đây xảy ra cháy.
Ông Hải cho biết khu vực cháy ít chim sinh sống do gần khu dân cư. Mặt khác, vùng này đã rút cạn nước từ nhiều tháng trước, các loài chim nước đã rời đi, tìm chỗ trũng khác săn tôm cá. Các loại chim rừng (chuyên ăn côn trùng trong đất) cũng ít lui tới vị trí này do ở đây lớp thực bì dày. Nơi cao nhất ở đây khoảng một mét, chim khó quan sát, tìm kiếm con mồi.
"Vụ cháy hôm qua chim cò thiệt hại không đáng kể", ông Hải nhận định và nói thêm qua nghiên cứu ở vườn, tại những đám cháy nhỏ thường thu hút chim rừng đến kiếm ăn. Minh chứng là những lần vườn chủ động đốt cỏ, nhiều loài chim "chủ động bay đến săn mồi". Chưa kể sắp tới mưa đến các loài thực vật tạo mầm mới thu hút các loài chim và động vật về tìm thức ăn.
Trưa qua hỏa hoạn bùng lên trong hơn 5 giờ tại phân khu A1 của vườn quốc gia, làm gần 20 ha rừng tràm thiệt hại, chủ yếu cháy dưới tán, bao gồm lớp thực bì và đồng cỏ... Vườn quốc gia Tràm Chim rộng hơn 7.300 ha, là vùng đất ngập nước được công nhận Ramsar thứ 2.000 của thế giới, nơi sinh sống của hơn 230 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm, 16 loài trong sách đỏ. Đây cũng là địa bàn được sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm tìm về trong nhiều năm qua.
Ngành chức năng đã huy động gần 250 người dập lửa, đến hơn 17h hôm qua đã khống chế được đám cháy. Công an tỉnh Đồng Tháp xác định nguyên nhân vụ cháy là người dân dùng lửa bất cẩn khi xâm nhập trái phép.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết đám cháy có thể gây nhiều thiệt hại cho rừng nếu không kịp kiểm soát. Tuy nhiên nhìn ở góc độ ngược lại, lửa đóng vai trò trong duy trì, phát triển hệ sinh thái như tái sinh thực vật, cải thiện chất lượng đất, kiểm soát sâu bệnh và dịch hại...
"Lửa giúp loại bỏ thảm thực vật cũ, kích thích sự nảy mầm của nhiều loài cây", chuyên gia nói, cho biết cháy nhỏ khi kiểm soát được có thể loại bỏ nhiên liệu dễ cháy như lá khô, cành cây nhỏ, giúp giảm nguy cơ cháy lớn
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết nếu xem rừng cây như một cơ thể sống thì việc cháy có kiểm soát được hiểu như cánh rừng được "tắm gội". Các loài thực vật sẽ bật dậy tươi tốt hơn trước khi mưa xuống.
Theo ông Hùng, việc quản lý rừng ở Tràm Chim đang vấp phải mâu thuẫn của luật bảo vệ rừng và công ước Ramsar về đa dạng sinh học. Luật nghiêm cấm để xảy ra cháy rừng nhưng công ước xem cháy là một yếu tố của hệ sinh thái. Nhiều năm Tràm Chim phải trữ nước ngăn cháy rừng, khiến hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, một số loài chim trong đó có sếu đầu đỏ không trở về.
Đầu năm 2024, vườn quốc gia xả nước, đốt chủ động tại khu vực có lớp thực bì dày. Điều này giúp những cánh đồng năng kim dần hồi sinh, tạo ra hệ sinh thái phù hợp cho nhiều loài chim quay về chọn làm nơi trú ngụ và sinh sống.
Ngọc Tài