"Hàng loạt nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan giữa mức độ ô nhiễm cao trong không khí với mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của Covid-19", tiến sĩ Brad Sellberg, giám đốc y tế Trung tâm Y khoa hạt Los Angeles, cho biết.
Ông viện dẫn một số nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ, Trung Quốc, và Italy chỉ ra rằng việc mô phổi tiếp xúc với ô nhiễm có khả năng làm tăng độ nhạy với virus.
Theo tiến sĩ Rekha Murthy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, phó chủ tịch phụ trách y tế tại Bệnh viện Cedars-Sinai ở Los Angeles, khói từ các đám cháy rừng có thể gây kích ứng phổi và gây viêm, qua đó ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Tình trạng viêm sẽ khiến nguy cơ nhiễm trùng phổi tăng lên.
"Bất cứ khi nào niêm mạc phổi hoặc đường hô hấp bị viêm hay bị tổn thương, nó sẽ làm tăng nguy cơ các hạt chứa virus được hít vào gây nhiễm trùng cho phổi", Murthy nói.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan nCoV, những người đang ở trong nhà do chất lượng không khí kém nên tránh xa bất kỳ ai không ở cùng nhà với họ, tiến sĩ Leana Wen, nhà phân tích y tế kiêm bác sĩ cấp cứu, cho hay.
Mỹ đến nay ghi nhận hơn 6,6 triệu ca nhiễm và hơn 197.000 ca tử vong vì Covid-19, là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington ước tính đến ngày 1/1 năm sau, 410.000 người sẽ chết vì nCoV ở Mỹ, tức là hơn 220.000 người chết trong 4 tháng tới, nếu xu hướng tránh đeo khẩu trang vẫn tiếp diễn.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cho rằng "rất ít khả năng" nước này sẽ có vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử 3/11. Nhận định của ông trái ngược với tuyên bố mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong cuộc họp báo ngày 7/9 rằng nhà chức trách sẽ sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử.
Ít nhất 26 người đã thiệt mạng do thảm họa cháy rừng đang hoành hành ở Bờ Tây nước Mỹ, trong khi hàng chục người vẫn mất tích và hàng trăm người đã rơi vào tình cảnh mất nhà cửa.
Giới chức bang Oregon cho biết họ đang chuẩn bị cho một "sự cố gây chết người hàng loạt" dựa trên mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng. "Hơn 40.000 người dân Oregon đã được sơ tán và khoảng 500.000 người đang ở trong các khu vực cần sơ tán", Thống đốc Kate Brown ngày 11/9 nói.
Tại thành phố Lyon đám cháy Beachie Creek đã khiến nhiều khu dân cư chỉ còn lại đống hoang tàn, đổ nát, thiêu rụi hơn 750 km2 rừng. Beachie Creek là đám cháy rừng lớn nhất tại bang Oregon và khả năng kiềm chế nó là 0%.
Tại California, ít nhất 19 người đã thiệt mạng kể từ khi mùa cháy rừng năm nay bắt đầu. Lực lượng cứu hỏa hiện phải chiến đấu với hơn 20 đám cháy lớn trên toàn bang, tuy nhiên, nhà chức trách hy vọng điều kiện thời tiết được cải thiện sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ kiểm soát các đám cháy.
Vũ Hoàng (Theo CNN)