Kết thúc tiết Toán ở lớp 12 sáng 6/1, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên THPT Nguyễn Du (quận 10) ví tiết học "như cuộc đua nước rút để kết thúc học kỳ I". Bởi thầy trò chỉ còn một tuần trước đợt kiểm tra học kỳ tập trung, dự kiến sau 15/1.
Học sinh khối 12 có lợi thế hơn khi đã học trực tiếp được bốn tuần, trong khi khối 10 và 11 mới trở lại trường ba ngày. Qua một số tiết dạy, thầy Chính đánh giá, trong thời gian học trực tuyến, phần lớn học sinh chỉ tiếp thu được 50% khối lượng kiến thức.
![Học sinh lớp 10 trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh trong tiết Ngoại ngữ, sáng 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/01/06/hoc-sinh-khoi-12-thanh-da-5602-1641458912.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qJKyaV3GP52V3EkjCoH2NA)
Học sinh lớp 10 trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) trong tiết Ngoại ngữ, sáng 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng
Thầy Chính chỉ ra hai nguyên nhân dẫn đến hổng kiến thức. Thứ nhất, thời lượng học trực tuyến giảm, nội dung bài học tinh gọn, theo hướng để học sinh tự tìm hiểu, tự nghiên cứu. Do đó, những em không tự giác sẽ không hoàn thành yêu cầu bài học.
Thứ hai, nhiều học sinh chưa ý thức tầm quan trọng việc học trực tuyến, học đối phó, qua loa. Nhiều em thường xuyên lấy lý do micro hư, mạng chập chờn hoặc có việc riêng để tránh né khi giáo viên gọi tên.
"Chúng tôi đang gấp rút ôn tập và bổ sung kiến thức để hoàn tất nội dung học kỳ I. Với khối 12, yêu cầu sẽ cao hơn bởi các em phải chuẩn bị cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT", thầy Chính nói.
Trong quá trình ôn tập, thầy thường xuyên nhắc học trò, việc vá lỗ hổng kiến thức phải do chính các em nỗ lực. Với sự hao hụt lớn từ quá trình học online suốt 8 tháng, giáo viên không thể giúp bù đắp trong 1-2 tuần.
Trường THPT Nguyễn Du hiện có hơn 1.500 học sinh ở ba khối học trực tiếp, tỷ lệ trên 98%. Lịch kiểm tra học kỳ I sẽ được bố trí hợp lý để các em có đủ thời gian ôn tập khoảng hai tuần.
Tương tự, tại THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh), lịch kiểm tra học kỳ dự kiến từ 10/1, kéo dài trong hai tuần. Hiện các thầy cô đang tập trung ôn tập cho hơn 1.000 học sinh khối 10 và 11. Do hai khối mới trở lại học trực tiếp, trường sẽ nới lịch kiểm tra để có thêm thời gian ôn luyện.
Hiệu trưởng Lê Hữu Hân cho biết, trường chia ba ca kiểm tra trong ngày, mỗi phòng thi tối đa 25 em. Đề chủ yếu nhằm đánh giá mức độ nhận biết và thông hiểu của học sinh, không đánh đố, nâng cao. Trừ Ngữ văn được kiểm tra tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
"Qua ba tuần dạy khối 12, giáo viên bộ môn cho biết một bộ phận học sinh học trực tuyến hiệu quả nhờ có sự nỗ lực, gia đình quan tâm. Ngược lại, một số em vừa học, vừa chơi nên mất căn bản", thầy Hân nói.
![Học sinh lớp 7 trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh trong buổi học ngày 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/01/06/hoc-sinh-trung-hoc-1256-1641458912.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ecWGBkNXchTU1DaZY8vdaQ)
Học sinh lớp 7 trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) trong buổi học ngày 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng
Ở khối THCS, các trường cũng tăng tốc ôn thi cho học sinh khối 7, 8. Học sinh yếu kém hoặc không thể đến trường sẽ được giáo viên phụ đạo riêng trong các lớp online.
Trường THCS Minh Đức (quận 1) đăng bài giảng, đề cương ôn tập của từng môn lên trang web để học sinh tham khảo. Trường dự kiến kiểm tra tập trung từ 11 đến 14/1 các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý; các môn còn lại được kiểm tra tại lớp từ nay đến 10/1.
Với THCS Nguyễn Du (quận 1), lịch kiểm tra học kỳ I kéo dài 10-20/1 cho các khối 7-9. Khối 6 sẽ kiểm tra trực tiếp nếu học sinh được phép trở lại trường. Thầy cô cũng đang tăng tốc ôn tập cho học sinh các chủ điểm quan trọng ở từng môn.
Các trường trung học sử dụng đa dạng hình thức kiểm tra, gồm tự luận, trắc nghiệm hoặc làm sản phẩm, thực hành. Việc tổ chức môn kiểm tra tập trung hoặc tại lớp do trường linh động sắp xếp, tuỳ khối lớp. Học sinh là F0, F1 hoặc đang cách ly được bố trí lịch kiểm tra riêng.
Tại THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), nhà trường dự kiến ôn tập, bổ sung kiến thức đến hết ngày 15/1 cho ba khối. Trường không kiểm tra những nội dung nâng cao, vượt quá yêu cầu cần đạt theo quy định chung của chương trình.
Ở THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), ba khối được kiểm tra tập trung các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hoá, Sinh, Địa, Sử, Giáo dục công dân, Công nghệ. Một số môn kiểm tra tại lớp như Tin học, Giáo dục thể chất, Giáo dục An ninh và Quốc phòng, Nghề, Khoa học Tự nhiên chương trình tích hợp.
Trong khi đó, trường Trung học Thực hành Đại học Sài Gòn (quận 5) cho học sinh khối 7-12 kiểm tra tập trung tất cả môn từ 10/1, xen kẽ ngày thi và ngày nghỉ.
![Giáo viên trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) chuẩn bị giấy làm bài kiểm tra học kỳ I cho học sinh ba khối 10-12, dự kiến tổ chức từ ngày 10/1. Ảnh: Mạnh Tùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/01/06/kiem-tra-hoc-ky-2098-1641458912.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0buYYI4H8AKwuxGNdxmtNQ)
Giáo viên trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) chuẩn bị giấy làm bài kiểm tra học kỳ I cho học sinh ba khối 10-12, dự kiến tổ chức từ ngày 10/1. Ảnh: Mạnh Tùng
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM), việc kiểm tra học kỳ nhằm đánh giá lại quá trình học tập của học sinh với kiến thức cơ bản. Do đó, phụ huynh và học sinh không nên quá lo về mức độ khó của đề.
Sở quy định khung thời gian kiểm tra học kỳ I từ 10 đến 22/1; ban giám hiệu trường tự quyết định lịch thi tùy theo tình hình dạy học trực tiếp.
Theo Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ. Bài kiểm tra giữa kỳ đã được các trường trung học tổ chức theo hình thức online vaò giữa tháng 10 năm ngoái, khi tất cả học sinh chưa đến trường.