Vậy là tôi được cởi trói để tự mình quyết định ở hay về.
Thời ấy lương cử nhân của vợ chồng tôi ở trong nước mỗi người quy ra chỉ 4-5 USD/tháng. Ở bên này, năm 1991, mỗi tháng tôi có thể kiếm được 20.000 USD. Ba má tôi nhìn thấy những xe máy, ti vi, tủ lạnh tôi đưa về, cũng không còn lý do gì để suy nghĩ.
Năm 1996, tôi đã ước tính số kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư đang lao động trong Chợ Sân Vận động Mười năm Warszawa, Ba Lan, có thể lập được một trường Đại học Tổng hợp với đầy đủ các khoa, các tổ bộ môn. Đây là chợ trời bán buôn lớn nhất châu Âu lúc đó với khoảng 15 nghìn quầy bán hàng, trong đó có 5 nghìn quầy người Việt. Rất nhiều trí thức.
Đó là những trí thức không còn làm trí thức nữa: trước cái nghèo trong nước, trước sự hấp dẫn vật chất mà nước bạn mang đến, họ sẵn sàng làm cửu vạn, làm con buôn. Chúng tôi lội tuyết hàng chục cây số, bán buôn trong mùa Đông Ba Lan buốt giá, để kiếm tiền.
Lực lượng trí thức này từ năm 1995 đến năm 2005 bị phân hóa mạnh. Số ít thành đạt, tích lũy được vốn thì hoặc ở lại hoặc về nước tiếp tục kinh doanh, trong đó có nhiều người lọt vào top giàu nhất Việt Nam. Số đông bằng lòng với số tiền kiếm được trong hơn 10 năm lao động vất vả cực nhọc ở xứ người, ai nhát thì gửi tiền tiết kiệm lấy lãi bù vào chi phí sinh hoạt, ai liều thì mua bất động sản cho thuê.
Chỉ có rất ít người say mê nghề nghiệp mới quay lại làm việc tại các cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu… quay lại làm “trí thức”.
Hơn bốn thập kỷ, từ năm 1950 - 1991 các nước XHCN đã đào tạo cho Việt Nam hàng trăm nghìn công nhân kỹ thuật, kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ. Lực lượng lao động được đào tạo bài bản này thời gian đó đóng góp tỷ lệ đáng kể chuyên gia cao cấp cho các ngành kinh tế mũi nhọn nước nhà. Nền kinh tế kế hoạch hóa không tạo ra thất nghiệp, ai cũng có việc làm nhưng ít ai được làm việc đúng nghĩa.
Khi ấy, hậu quả chiến tranh và kinh tế bao cấp góp phần thúc đẩy chảy máu chất xám của Việt Nam. Ở thời kỳ sơ khởi, nỗi lo kinh tế, nỗi lo cơm áo gạo tiền là nguyên nhân chính sinh ra “dòng chảy chất xám” của Việt Nam.
Bây giờ thì không còn đói nữa, nhưng người ta vẫn đi. Thống kê cho biết, khoảng 70% sinh viên Việt Nam du học nước ngoài đã không về nước sau khi nhận được bằng tốt nghiệp. Mà số du học sinh này, hiện tại đang lên tới hàng trăm nghìn người.
Tôi hỏi một bạn trẻ đang học thạc sĩ tại Đại học kinh tế SGH Warszawa về lý do ở lại Ba Lan làm việc. Bạn nói: “Tôi thích phong cách làm việc của người Tây, chăm chỉ, hiệu quả, nghiêm chỉnh, chỉn chu. Về Việt Nam tôi khó tìm được một công ty có văn hóa làm việc như thế. Nếu tôi về Việt Nam làm ở cơ quan nhà nước, ví dụ như chủ tịch thành phố, tôi sẽ làm giống Ba Lan, mở quỹ công khai để cấp vốn cho các dự án giải quyết các vấn đề chung của thành phố, tận dụng tối đa nhân tài trẻ và ý tưởng của họ. Nhưng tôi biết điều này khó thực hiện nổi trong điều kiện hiện nay, vậy thì ở lại bên này cống hiến tốt hơn”.
Hai thế hệ cách nhau 30 năm mang hai nỗi niềm. Thế hệ chúng tôi thì lo đói, lo nghèo, sẵn sàng ở lại để đi buôn bán ở chợ trời hòng kiếm miếng ăn. Thế hệ của các bạn, thì cần một môi trường để được làm việc, được sáng tạo, được cống hiến.
Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt. Họ đi rồi vẫn đóng góp được cho đất nước. Nền kinh tế toàn cầu đang tạo ra “lưu thông chất xám” thay vì “chảy máu chất xám”. Lưu thông chất xám tạo điều kiện trao đổi giữa các nước những nhân tài có tri thức, vốn, kỹ năng, hệ thống công nghệ và các mối quan hệ đồng nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế của mỗi nước và toàn cầu.
Một số trí thức Việt Nam ở lại các quốc gia phát triển hơn, có điều kiện làm việc tốt hơn, một mặt xúc tiến thương mại đầu tư, thúc đẩy quan hệ với doanh nhân nước sở tại và đa quốc gia, mặt khác gửi kiều hối về xây dựng đất nước.
Năm 2016, chính phủ nói rất nhiều về “khởi nghiệp sáng tạo”, và mong muốn tìm cơ chế khuyến khích cho thứ đó. Những bộ não được đào tạo ở các quốc gia phát triển kia chắc chắn là hạt nhân quan trọng cho phong trào khởi nghiệp. Nhưng là nếu họ trở về.
Bây giờ, chúng ta chỉ có thể chờ đợi thời gian sẽ tạo ra sự phát triển. Tôi đã chờ mấy chục năm để thấy ngày mà cái ăn cái mặc không còn là vấn đề nữa; thì bây giờ đã lại phát sinh những đòi hỏi mới, những yêu cầu mới để các trí thức trở về.
Trần Quốc Quân