Chiều mưa, ông Võ Văn Nguơn (Chín Nguơn, 75 tuổi, ấp Bình Khương 2, Bình Phục Nhứt, Chợ Gạo) đứng phía trước căn nhà cũ đã tháo dỡ một phần mái ngói, chỉ chừa lại mái che phía trong buồng ngủ và chái bếp để tiện sinh hoạt. Cạnh nhà ông, người hàng xóm đã dỡ ngôi nhà tường tôn cũ, đang chở vật liệu để cất nhà mới lùi sâu vào phía trong bờ kênh hàng trăm mét.
Đoạn kênh Chợ Gạo qua xã Bình Phục Nhứt dài 4 km, trên 300 nhà dân đang được giải tỏa, nhằm xây dựng bờ kè chống sạt lở. Đứng từ bờ sông, có thể nhìn thấy con đường đất trải đá xanh mỏng, rộng gần 3 m, nhiều đoạn bị sóng đánh lõm vào. Mỗi bận xe chở vật liệu đi qua, đường rung lên, từng vạt đất rơi xuống kênh. Cách bờ sông chừng 3 m, những bụi cây cao 3-4 m được người dân trồng giữ đất bị sóng ngoạm, bật gốc nằm chơ vơ.
Ông Chính Nguơn là dân cố cựu, đến nay đã 5 đời sống bên kênh Chợ Gạo. Căn nhà tường, gỗ được cha ông làm nghề lái ghe xây cất 70 năm trước. Mười lăm tuổi, ông theo cha ngược xuôi trên những chuyến tàu chở cát, đá, cây từ Biên Hòa, Đồng Nai, mỗi bận đi về mất hơn một ngày. Sau năm 1975, nghề đi ghe gặp khó khăn, gia đình ông bán thuyền lên bờ làm ruộng.
Trong ký ức của lão nông, những năm 70 thế kỷ trước kênh Chợ Gạo không rộng như bây giờ, nhà dân khá thưa thớt, dừa cạn, dừa nước mọc rậm rạp, phủ xanh hai bên bờ. Tàu thuyền thời đó đông, song chủ yếu bằng gỗ, chỉ bằng một phần ba so với hiện tại, vì vậy tình trạng sạt lở bờ sông không đáng kể.
Vậy mà chỉ sau mấy chục năm sóng gặm bờ, con đường, ao trữ nước ngọt lẫn bờ dừa được ông Chín Ngươn trồng giữ đất, nay nằm dưới đáy kênh. Khu vực sạt lở nặng nhất ăn sâu vào bờ 20-50 m. "Mười năm gần đây tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất, nhiều nhà trong một năm mất hàng chục mét đất", ông bùi ngùi.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ chỉ ra rằng, từ năm 1700 đến 1930, vùng Tây Nam Bộ có tổng cộng 41 kênh đào mới, từ thủ công đến cơ giới. Theo thứ tự thời gian, kênh Chợ Gạo được đào từ năm 1875 đến 1877, tương đương kênh Cột Cờ (1875) và xếp thứ tư sau Bảo Định (1705), Thoại Hà (1817), Vĩnh Tế (1824),
Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức ghi nhận trước khi có kênh Chợ Gạo: "Ghe thuyền từ Bến Nghé xuống miền Tây phải theo rạch Ông Lớn xuống hạ lưu sông Rạch Cát rồi qua sông Phước Lộc (tức sông Cần Giuộc) và sông Vàm Cỏ để tới sông Tra. Sau đó, thuyền tiếp tục men theo rạch Kỳ Hôn để vòng ra sông Tiền thẳng tiến về miền Tây. Tuy nhiên đoạn rạch Kỳ Hôn bị cong, thường bị cạn lấp, tàu bè đi lại rất khó khăn".
Thời điểm này, người Pháp chiếm Nam Kỳ. Do muốn lấy nhiều lúa gạo, thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Canal Duperré đề xuất ý tưởng đào kênh nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ tạo ra tuyến thủy ngắn nhất từ Sài Gòn đi miền Tây. Kênh khánh thành ngày 10/7/1877, rộng 30 m, dài 12 km. Khoảng 11.000 người được huy động, đào tổng khối lượng đất khoảng 900.000 m3 với 676.000 ngày công.
Trước đó, từ cuối thế kỷ 18 tại thôn Bình Phan có ngôi chợ nhỏ cạnh bờ sông, là nơi mua bán gạo của người dân, tên gọi chợ Gạo. Từ địa danh này, năm 1912 Pháp thành lập quận Chợ Gạo thuộc tỉnh Mỹ Tho, từ đây tên kênh Chợ Gạo ra đời. Sau khi có kênh, tàu thuyền đi lại giữa Chợ Lớn và miền Tây tăng nhanh. Năm 1900, công ty Messageries Fluviales đưa tàu khách vào hoạt động.
Gần 50 năm làm vận tải đường thủy, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, ví von rằng "nếu xem Đồng bằng sông Cửu Long như dạ dày, thì kênh Chợ Gạo như cuống họng và TP HCM là cửa miệng".
Theo ông Liêm, hiện có một vài kênh khác có thể thay thế kênh Chợ Gạo, song chỉ tàu thuyền nhỏ mới có thể chạy. Khi hệ thống đường bộ từ các tỉnh miền Tây lên TP HCM chưa hoàn chỉnh, kênh Chợ Gạo được xem là tuyến đường thủy xương sống chở nông sản từ miền Tây lên TP HCM, sau đó toả đi khắp nước.
"Lấy ví dụ một tấn hàng trung bình đi từ miền Tây đến TP HCM có giá 100.000-150.000 đồng nếu đi qua kênh Chợ Gạo, còn đi bằng các đường thủy khác lẫn đường bộ, chi phí này sẽ đội lên gấp ba", ông Liêm nói.
Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cũng nhận định, hiện kênh Chợ Gạo vẫn chưa khai thác hết công suất, do lòng kênh còn nông, tàu nghìn tấn di chuyển hạn chế khi nước ròng. Sau khi kênh nạo vét hoàn chỉnh, tàu có thể chạy 24 giờ, công suất vì vậy tăng lên gấp ba.
Sau nhiều năm cải tạo, kênh Chợ Gạo hiện hữu dài 28,5 km, đi qua huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Mỗi ngày, khoảng 1.800 tàu tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn đi qua tuyến kênh này, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, sạt lở hai bên bờ.
Bảy năm trước, kênh được nâng cấp giai đoạn một, kinh phí hơn 780 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều tàu thuyền đi qua đây, bờ kênh xảy ra hàng trăm điểm sạt lở, ảnh hưởng hơn 2.000 hộ dân.
Cuối năm ngoái, dự án nạo vét, mở rộng luồng đường thủy gần 10 km, xây công trình bảo vệ bờ nam kênh, cầu và đường đi qua các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo được xúc tiến. Đoạn luồng sau cải tạo sâu hơn 3,5 m, rộng 50 m giúp tàu thuyền di chuyển thuận lợi. Địa phương đã bồi thường, xây 5 khu tái định cư để ổn định đời sống 600 hộ dân bị ảnh hưởng.
Hoàng Nam