Tiếng Hebrew từng suýt tuyệt chủng, nhưng sau đó đã được hồi sinh trong cộng đồng người Do Thái. Ảnh: followme-series.org. |
Ông Nikolaus Himmelmann không tự nhận mình là người cứu rỗi: "Nghe quá long trọng, gọi cái mà chúng tôi đang làm là bảo tồn thì đúng hơn". Nhiệm vụ của nhà ngôn ngữ học này là ghi chép lại những ngôn ngữ đang "hấp hối", trong số khoảng 6.500 thứ tiếng khác nhau trên Trái đất.
Khái nghiệm "chết", theo Himmelmann cũng lại là quá căng thẳng. Theo ông, đây là một sự thay đổi ngôn ngữ. Đó là một quá trình tự nhiên và năng động. Nhiều phần của tiếng nói cũ thường được tiếp nhận mang theo, ngôn ngữ tách ra, và một ngôn ngữ mới thành hình.
Thí dụ được biết đến nhiều nhất là tiếng La tinh. Tiếng nói của những người Roma xưa kia chỉ còn sống trong tòa thánh Vatican, ngoài ra là một ngôn ngữ chết. Nhưng các ngôn ngữ phát triển từ tiếng La tinh thì vẫn còn sống động, như tiếng Italy và tiếng Tây Ban Nha.
Vấn đề là ở chỗ những ngôn ngữ đang bị đe dọa ngày nay chưa được phổ biến rộng rãi như tiếng La tinh. Đó là những ngôn ngữ mà vào thời nở rộ chỉ được một vài nghìn người thông thạo, ngày nay chưa đến 50 người.
Cần những gì để bảo tồn một tiếng nói
Nhà ngôn ngữ học người Mỹ David Harrison, cũng như ông Himmelmann là một chuyên gia về những ngôn ngữ đang bị đe dọa, mô tả các vấn đề khó khăn trong việc bảo tồn này: "Khi một ngôn ngữ hấp hối, các nhà ngôn ngữ học thường gặp phải tình trạng là chỉ còn những người già nua yếu sức biết nói mà lại có thể là sống rải rác trong một vùng rộng lớn".
Để ghi chép lại khuôn khổ cơ bản của một ngôn ngữ người ta cần "vài nhà ngôn ngữ học và 2 đến 3 năm". Nhưng thường thì các nhà ngôn ngữ học không có nhiều thời gian như thế, vì sự chuyển đổi ngôn ngữ diễn ra ngày nay với một vận tốc rất nhanh. "Chúng ta sống trong một nền kinh tế thông tin toàn cầu", Harrison nhận xét. "Tính áp đảo của một vài ngôn ngữ làm thiệt thòi cho những ngôn ngữ nhỏ".
Toàn cầu hóa đã góp phần làm cho một vài ngôn ngữ lớn - dẫn đầu là tiếng Anh - xâm nhập đến tất cả những nơi hẻo lánh của Trái đất và đẩy lùi những ngôn ngữ nhỏ ở đó.
Nhưng tốt hơn cả là tất cả mọi người trên toàn thế giới đều nói cùng một thứ tiếng? Điều này sẽ đơn giản hóa thông tin, tiết kiệm thời gian và tiền bạc - và việc học từ vựng tốn nhiều công sức cũng sẽ không còn nữa? Cớ gì lại phải cố gắng bảo tồn ngôn ngữ?
Nhà nghiên cứu về ngôn ngữ Himmelmann phản đối: "Tôi cho rằng một ngôn ngữ thống nhất toàn cầu là điều không thể. Nếu như ngôn ngữ chỉ là phương tiện thông tin, thì đã có một thứ tiếng nói toàn cầu từ lâu rồi. Nhưng ngôn ngữ cũng có chức năng tạo văn hóa và vì thế mà có tiếng nói khác nhau".
Nhà ngôn ngữ học so sánh việc ghi chép lại một ngôn ngữ – tức thành phần phi vật chất của văn hóa với việc bảo tồn một thành tựu văn hóa hữu hình: Mặc dù kim tự tháp không còn được sử dụng cho những mục đích nguyên thủy nữa, chúng vẫn còn đứng trong sa mạc ngày hôm nay - và không ai lại có ý nghĩ phải giật sập chúng đi.
Tái sinh một ngôn ngữ phụ thuộc vào người dân bản địa
"Những nhà ngôn ngữ học chỉ có thể góp một phần vào việc bảo tồn tiếng nói", bà Silvia Kutscher từ Viện ngôn ngữ học của Đại học Cologne nói. "Thí dụ như viết lại văn phạm. Điều đó có thể tạo thêm động lực và tự tin. Nhưng tái sinh một ngôn ngữ phụ thuộc vào người dân bản địa. Phải chính họ mới làm được."
Hồi sinh một ngôn ngữ cũng có thể thành công, thí dụ như tiếng Hebrew. Cùng với việc thành lập "Hội đồng ngôn ngữ Hebrew" trong năm 1889, việc phục sinh cho ngôn ngữ của Kinh Thánh được bắt đầu. Ngày nay tiếng Hebrew được hằng triệu người sử dụng như tiếng mẹ đẻ.
Phan Ba (theo Spiegel Online)