Đà Nẵng và Bắc Ninh là hai địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình sàn giao dịch việc làm từ giữa năm 2006. Tuần qua, Hà Nội và TP HCM cũng tiếp bước khai trương sàn. Một số tỉnh như Đồng Nai đang rục rịch chuẩn bị.
Kinh phí mở sàn được Bộ Lao động hỗ trợ một phần (khoảng 200 triệu đồng), còn lại các địa phương bỏ thêm để trang bị dàn máy tính, máy chiếu, máy tra cứu đa năng cho các Trung tâm dịch vụ việc làm, thuộc sự quản lý của Sở Lao động. Cung và cầu lao động đều được cập nhật miễn phí lên website, lao động có thể ngồi nhà, hoặc nếu không có máy tính thì lên sàn lướt web tìm việc.
![]() |
Lao động đến sàn để tìm thông tin. Ảnh: H.K. |
Sau gần một năm mở sàn, trong hội nghị triển khai kế hoạch dạy nghề, việc làm giai đoạn 2007-2010 tổ chức ngày 10/5, đại diện Sở Lao động Đà Nẵng tự tin "khoe" rằng sàn giao dịch đã trở thành một thương hiệu riêng, là địa chỉ tin cậy của đông đảo lao động và doanh nghiệp. Qua 12 phiên giao dịch, sàn đã chắp nối, giới thiệu cho hơn 12.000 lao động, trong đó gần 7.000 người đã được tiếp nhận.
Tại TP HCM, ngay phiên giao dịch việc làm đầu tiên đã có 3.200 lao động được tuyển dụng. Còn tại Hà Nội, trên 1.200 người được các doanh nghiệp sơ tuyển, tiếp nhận hồ sơ. Từ thành công bước đầu, Hà Nội lại đang kêu gọi các nhà tuyển dụng đến sàn giao dịch lần hai, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6.
Sẽ xây dựng 40 sàn giao dịch việc làm
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó giám đốc Sở Lao động Hà Nội cho biết, từ năm 2002 đến 2006, Hà Nội đã tổ chức 4 hội chợ cấp thành phố và 6 hội chợ cấp quận, nhưng hiệu quả chưa cao. "Hội chợ đông, nhưng tổ chức rất tốn kém, và mỗi năm chỉ có một lần. Nhiều doanh nghiệp nhân cơ hội này để quảng bá cho mình, không chú trọng tới việc tuyển dụng", bà Phương giải thích.
Giám đốc Sở Lao động Đồng Nai Lê Thị Mỹ Phượng sau khi tham quan sàn giao dịch việc làm Hà Nội, cho biết sẽ sớm xúc tiến mở sàn tại địa phương. "Chúng tôi đã tổ chức 6 hội chợ, kinh phí mỗi lần khoảng 300-400 triệu đồng. Tốn kém, nhưng không phải người lao động nào cần việc cũng đến được hội chợ vì điều kiện ở xa, hoặc thiếu thông tin. Sàn giao dịch, với sự hỗ trợ của mạng Internet, giúp cho người lao động dễ dàng tiếp cận nhà tuyển dụng", bà nói.
![]() |
Phỏng vấn tìm việc ngay tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: H.K. |
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Lê Bạch Hồng, sàn giao dịch việc làm sẽ là giải pháp được ưu tiên phát triển, bên cạnh việc nâng cao năng lực trung tâm giới thiệu việc làm, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động. "Tiến tới sàn sẽ được mở hằng tuần, hằng ngày. Mục đích là kết nối cung - cầu lao động, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động", ông Hồng nói.
Bộ Lao động đặt mục tiêu đến năm 2010, sẽ xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh ở 30-40 tỉnh thành, xây dựng khoảng 50 website giao dịch việc làm điện tử kết nối với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia, phấn đấu tăng tỷ lệ người tìm được việc làm thông qua các giao dịch chính thức lên 25-30% trong tổng số người có việc làm.
Hồng Khánh