"Bệnh nhân nguy kịch, lấy băng ca ngay", bác sĩ Đào Phú Hà, Trưởng khoa Cấp cứu ra y lệnh, đồng thời huy động hai bác sĩ và 6 điều dưỡng có mặt. Bệnh nhân nữ, 20 tuổi, vào viện trong tình trạng đã ngừng tim, ngừng thở, suy hô hấp nặng, cần xử trí ngay.
Một điều dưỡng gấp gáp tìm máy thở, người khác sẵn sàng ép tim, sốc điện, dùng thuốc vận mạch. Kế bên, bác sĩ Hà chăm chú theo dõi và đánh giá chỉ số sinh tồn.
"Vẫn còn hai người nữa", người nhà kêu lên khiến kíp trực hoang mang. Vừa dứt lời, tiếng còi xe cấp cứu rú ngoài cánh cửa, đưa đến thêm bệnh nhân nam, 49 tuổi và nữ, 15 tuổi. "Tình huống lúc đó như chỉ mành treo chuông. Nếu cả hai cũng ngừng tim tiếp thì sức ép lên chúng tôi vô cùng lớn, rất khó chu toàn", bác sĩ Hà trả lời VnExpress, sáng 3/6.
Ba bệnh nhân là bố con ở thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão. Tối 1/6, khu vực này mất điện, họ đã vào ôtô, bật điều hòa ngủ. Đến ba giờ sáng hôm sau, người vợ xuống kiểm tra, phát hiện cả ba bất tỉnh nên đưa đến Bệnh viện Kiến An cấp cứu.
Theo bác sĩ Hà, đây là lần đầu đơn vị tiếp nhận cùng lúc ba bệnh nhân bị ngạt khí, tiên lượng nặng, khiến không khí vô cùng căng thẳng. Trong quá trình cấp cứu, có lúc tim bệnh nhân nữ 20 tuổi đập trở lại, nhưng vẫn phụ thuộc vào máy móc. Sau 4 giờ hồi sức, bệnh nhân tử vong.
"Bệnh nhân không được sơ cứu ban đầu, khi nhập viện đã rất nặng, nếu tỉnh lại cũng có nguy cơ di chứng suốt đời", bác sĩ Hà nói. Lúc này, người bố và em gái cũng suy hô hấp cấp, hôn mê sâu, thở ngáp, huyết áp tụt. Bác sĩ phải thông khí nhân tạo, kiểm soát và nâng huyết áp bằng thuốc co mạch.
Sau gần 5 giờ, hai bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ, các bệnh nhân ngộ độc CO và ngộ độc chì do xe để trong gara, bật điều hòa, đóng kín cửa. Sau hội chẩn, kíp quyết định chuyển người bệnh lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.
Khi chuyển viện, người bố đã tỉnh nhưng vẫn phải thở máy. Bé gái vẫn kích thích, đã được sử dụng thuốc an thần, huyết động và oxy trong máu đã ổn định.
Bác sĩ cho biết ngủ trong ôtô đóng kín bật điều hòa có nguy cơ ngộ độc khí CO, dẫn đến nhiễm toan hô hấp, toan lactic, hôn mê, rối loạn nhịp tim, nguy cơ tử vong cao. Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Do đó, khi thấy có người bị ngạt khí, cần đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, sơ cứu ban đầu và nhanh chóng đưa tới bệnh viện.
"Mong rằng đây là hồi chuông cảnh tỉnh người dân để không có trường hợp đau lòng nào tương tự xảy ra nữa", bác sĩ Hà nói.
Minh An