Nắng nóng hoặc mưa lạnh là hai loại thời tiết người chạy bộ thường gặp khi tham dự một cuộc marathon.
Chạy dưới trời nắng nóng
Trong khung giờ từ 11h-14h, trời thường nắng gắt và nhiệt độ trên 32 độ C, dễ khiến người chạy mất nước, sốc nhiệt, có nguy cơ đột quỵ thậm chí tử vong. Người tập có thể cảm thấy đau đầu, chóng mặt, người mệt bải hoải, buồn nôn, mặt đỏ bừng, cơ thể mất thăng bằng. Khi đó, nên dừng lại, tìm nơi có bóng mát để tránh ánh nắng trực tiếp, uống nước mát để giảm nhiệt cơ thể và ngồi nghỉ ngơi. Nếu các dấu hiệu trên không hết sau nhiều giờ, cần đến bệnh viện để được kiểm tra và chăm sóc.
Để tránh sốc nhiệt do nắng nóng, hạn chế tập luyện trong khung giờ nắng cao, mặc quần áo, mang phụ kiện phù hợp. Nắng nóng còn khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, đừng quên cung cấp nước và điện giải để bù vào lượng nước đã mất.
Về trang phục: Khi chạy dưới nắng gắt mùa hè, nên chọn quần áo dài tay để bảo vệ da dưới bức xạ của tia cực tím. Chọn loại quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, chất liệu êm để tránh gây trầy xước da.
Phụ kiện: Mũ và kính râm là hai phụ kiện cần thiết nên chuẩn bị khi có kế hoạch chạy marathon dưới trời nắng. Nên chọn mũ có vành che được cả phía trước và sau gáy, kính râm giúp hạn chế lóa mắt do ánh sáng mạnh.
Sản phẩm chăm sóc da: Tia UV có trong ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề da như nám, tàn nhang, nổi mẩn đỏ, da nhạy cảm và nguy cơ ung thư da. Chạy marathon sẽ mất từ một đến vài tiếng tùy theo cự ly chạy vì thế chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF cao để duy trì tác dụng sản phẩm lâu hơn. Thoa kem chống nắng trước khi bắt đầu chạy ít nhất 20 phút dù cho trời chưa nắng nhiều và dặm lại sau 2-4h khi đổ mồ hôi nhiều. Liều lượng dùng tùy thuộc vào bộ phận cần bảo vệ da.
Chạy trong mùa đông
Chạy bộ trong điều kiện trời mưa bão, nhiệt độ thấp là thử thách cho người chạy. Thời tiết lạnh, độ ẩm cao hoặc kèm mưa, đường trơn dễ khiến người chạy bị trượt ngã dẫn đến căng cơ, bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, gãy xương... Do đó khi chạy trong thời tiết lạnh, cần lưu ý những điểm dưới đây.
Trang phục: Quần áo chạy mùa đông thiết kế bằng những loại vải nhẹ, giữ ấm cơ thể, chống nước. Nên mặc nhiều lớp áo, lớp không khí giữa các lớp áo dẫn nhiệt kém giúp cơ thể không bị lạnh. Áo dạ, áo lông là những mẫu áo khoác không chuyên dùng trong thể thao nên cần cân nhắc khi mặc. Áo khoác gió thể thao không thấm nước là một gợi ý cho người chạy marathon dưới thời tiết xấu.
Phụ kiện: Người tập có thể che chắn mắt, đầu và mặt bằng kính, mũ, khăn đa năng khi chạy. Đối với các thiết bị chống nước như đồng hồ GPS, máy nghe nhạc, bạn nên dùng túi nilon có khóa kéo để hạn chế dính nước khi trời mưa.
Sản phẩm chăm sóc da: Khi tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ lạnh, da sẽ dễ bị bong tróc, nổi sần hay mẩn đỏ. Do vậy, khi phải chạy nhiều ngoài trời lạnh, nên bôi kem dưỡng da trước khi chạy, mặc quần áo dài để hạn chế tiếp xúc da với nhiệt độ lạnh. Khi chạy dưới trời mưa, da dễ bị trầy xước do ma sát của quần áo hay giày dép, có thể thoa kem bôi trơn vào các vị trí có khả năng dễ bị trầy xước như bẹn, nách, kẽ ngón chân...
Nếu gặp những triệu chứng tay chân tê cóng, mất cảm giác, bỏng da do lạnh, rùng mình, nói lắp bắp... hãy dừng chạy và giữ ấm cơ thể bằng cách trở về nhà, bật lò sưởi, rửa cơ thể bằng nước nóng rồi đắp chăn giữ nhiệt.
Để biết cách điều phối sức trong từng trường hợp thời tiết cụ thể, bạn có thể đăng ký khóa học Lưu ý khi chạy bộ trên nền tảng học trực tuyến Ewiki của báo VnExpress. Khóa học do chuyên gia Khôi Trần, huấn luyện viên kiêm giám đốc học viện chạy bộ Magic Stride hướng dẫn .
Xem chi tiết khóa học tại đây.
Ewiki là nền tảng học trực tuyến ra mắt tháng 3/2019 với các khóa học xoay quanh nhiều chủ đề như kinh doanh, công nghệ, sức khỏe, gia đình, thời trang... Khóa học do giảng viên, chuyên gia trong các lĩnh vực hướng dẫn, giúp học viên có thêm góc nhìn thực tế và tư vấn phương pháp xử lý hiệu quả nhất.
Hà Thanh