Những người này mặc áo bảo hộ phản quang, hướng dẫn tài xế vào chỗ đỗ, với hy vọng kiếm được chút tiền.
Tại khu phố Ikoyi giàu có, trong lúc giới thượng lưu vào hộp đêm, những người như Abdul Musa, 35 tuổi, phải ngủ trong chuồng cùng đàn lừa và sống sót nhờ làm bất cứ công việc gì trên đường phố suốt 5 năm qua.
"Tôi không muốn sinh con", anh nói. "Ở đất nước này, chúng tôi chỉ đang sinh tồn trong địa ngục trần gian".
Để kiếm được vài USD, họ chầu chực cả ngày giúp người ta đỗ xe trước cửa nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ xa xỉ. Ở đại đô thị 20 triệu người này, với những người nghèo khổ nhất, một ngày vui vẻ là ngày kiếm đủ tiền mua đồ ăn. Còn ngày buồn, là ăn không đủ no, mà những ngày như vậy đang diễn ra thường xuyên hơn, khi chi phí nhiên liệu và thực phẩm ngày càng đắt đỏ.
"Bí quyết sống sót ở Nigeria rất đơn giản. Hoặc là tranh công cướp việc, hoặc là chết đói. Nên dù chỉ kiếm được 100 naira (0,25 USD), chúng tôi cũng lao vào làm", Musa Omar nói trong lúc đứng đối diện hộp đêm Cocoon.
Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 218 triệu người, nhưng có khoảng 80 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày. Nhiều người bị đẩy tới cảnh khốn cùng, khi sinh hoạt phí và giá thực phẩm tăng vọt sau đại dịch và khủng hoảng Ukraine.
Lạm phát của Nigeria đang ở mức 18%, trong đó lương thực tăng giá 20%, cao nhất trong vòng 5 năm. Ở Lagos, bất kỳ góc phố nào cũng có thể nhìn thấy những người chạy ăn từng bữa. Họ là hiện thân của phương châm sống "Có làm thì mới có ăn" hay gặp ở Lagos qua những dòng chữ sặc sỡ dán trên xe tải.
Đường phố giống như một dòng sông, mà họ luôn hy vọng một cách tuyệt vọng rằng mình sẽ câu được một con cá.
"Tôi sẵn sàng làm việc ở bất kỳ đâu, bất cứ việc gì, miễn là kiếm sống một cách tử tế", Omar, 36 tuổi, nói. "Trước đây tình hình không như thế này. Giờ giá cả tăng vọt, mọi thứ đều đắt đỏ, ai cũng chật vật".
Mỗi ngày, hàng nghìn người, chủ yếu là thanh niên, lại lên thành phố tìm kế mưu sinh. Kasheem Sadiq là một trong số hàng nghìn người như thế. Anh rời quê hương Kaduna ở phía bắc đất nước sau khi con trai nhỏ Yusuf ốm chết.
"Tôi phải kiếm 9.000 naira (20 USD) để trả viện phí cho con, nhưng không thể vì giá thực phẩm tăng vọt. Ở quê cũng không có việc làm", người đàn ông 44 tuổi nói trên con phố tối tăm ở Lagos.
Sadiq kiếm được 6 USD một ngày ở Lagos, cao hơn nhiều so với thu nhập của một nửa dân số thành phố, nhưng "đêm nào tôi cũng khóc vì phải xa gia đình".
2h20 bên ngoài hộp đêm Cocoon, người lái chiếc Porsche đang cố tìm chỗ đỗ xe, trong lúc một nhóm người hướng dẫn để anh ta không lái chiếc xe đắt tiền vào đống rác.
"Người giàu ngày càng giàu, nhưng không ai quan tâm đến người nghèo", Musa, người dường như là thủ lĩnh của nhóm trên, nói. "Chỉ Chúa mới giúp được chúng tôi".
5h sáng, những tay chơi đêm trong câu lạc bộ mới ra ngoài, lấy xe về nhà. Anita Obasi, người phụ nữ duy nhất trong nhóm của Musa, vừa hút một điếu cần sa vừa nhìn dòng xe rời đi. Đây là cách "quên đi nỗi đau" và chạy trốn hiện thực, cô gái 24 tuổi nói.
Sau hai thập kỷ tăng trưởng, Nigeria năm 2016 bước vào thời kỳ suy thoái vì giá dầu sụt thê thảm. Nền kinh tế mới phục hồi năm 2020 thì đại dịch ập tới. Covid-19 còn chưa kết thúc thì chiến sự Ukraine nổ ra, khiến tình hình kinh tế của những quốc gia như Nigeria càng thêm bi đát.
Obasi, người từng hành nghề mại dâm, sống trong nỗi day dứt thường trực về nguy cơ không đủ tiền mua thức ăn cho con gái mỗi ngày. "Tôi luôn cố gắng nghĩ về những điều tươi sáng, nhưng mọi thứ xung quanh cứ tối dần", cô nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)