Phi vụ tiền giả (tên gốc Project Gutenberg) mở đầu khi chuyên gia mỹ thuật Lý Vấn (Quách Phú Thành) bị cảnh sát Hong Kong dẫn về từ Thái Lan. Lực lượng an ninh muốn anh tiết lộ thông tin về Họa Sĩ (Châu Nhuận Phát) - ông trùm đường dây tiền giả có hành tung xuất quỷ nhập thần. Lý Vấn ban đầu từ chối nói do sợ bản thân gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sau nhiều thủ thuật tra hỏi của cảnh sát, anh ta kể lại quá trình quen biết rồi bị lôi kéo vào đường dây in ấn và lưu hành tiền giả của Họa Sĩ.
Sau 30 phút đầu khá dài dòng, tiết tấu được đẩy nhanh hơn với nhiều tình tiết đặc trưng của phim hình sự như truy đuổi, lật mặt. Tác phẩm mang đậm dấu ấn của phim xã hội đen Hong Kong thời hoàng kim với nhiều cảnh cận chiến, đấu súng, đánh cướp được dàn dựng cầu kỳ và dữ dội.
Châu Nhuận Phát là điểm sáng của tác phẩm, xuất hiện với áo vest hoặc măng-tô, hai tay cầm hai súng ngắn hoặc súng lớn, nã đạn liên hoàn với vẻ mặt ngạo nghễ. Ở tuổi 63, tài tử vẫn giữ sự dẻo dai, cứng cỏi ở các cảnh hành động. Nhân vật của ông chiến đấu theo kiểu gunfu (đánh nhau bằng súng) - phong cách quen thuộc trong những tác phẩm của đạo diễn gạo cội Ngô Vũ Sâm.
Với đẳng cấp diễn xuất, Châu Nhuận Phát không khó khi khắc họa tròn trịa nhân vật Họa Sĩ thông minh và tàn bạo. Tạo hình vai này cũng gợi nhớ hình ảnh của tài tử trong các phim Bản sắc anh hùng, Điệp huyết song hùng cuối thập niên 1980. Trailer còn có cảnh ông đeo kính đen, châm thuốc lá để đốt tờ USD, thể hiện khí chất của kẻ gian hùng. Tuy nhiên, trích đoạn không xuất hiện trong bản chiếu rạp.
Nữ diễn viên Trương Tịnh Sơ cũng ghi dấu ấn trong phim dù ít đất diễn. Đảm nhận hai vai, cô thể hiện rõ sự khác biệt giữa hai nhân vật qua vẻ mặt, ánh mắt và đặc biệt là giọng nói. Tuy nhiên, Quách Phú Thành gây thất vọng trong vai chính. Ở phần mở đầu, anh hóa thân khá tốt với hình ảnh yếu thế, run rẩy của Lý Vấn. Tuy nhiên, khi câu chuyện thay đổi, tài tử không khắc họa được sự quyết liệt của nhân vật. Diễn xuất của anh ở cảnh cao trào cũng chưa đủ sức nặng.
Tác phẩm do Trang Văn Cường đạo diễn và biên kịch gây ấn tượng ở loạt cảnh sản xuất tiền giả. Các khâu vẽ tiền, pha mực, thiết kế từng phần trên giấy và sau cùng là in ấn được dàn dựng tỉ mỉ, thể hiện khả năng hội họa của Lý Vấn cùng bộ óc điều hành khôn ngoan của Họa Sĩ. Kịch bản úp mở các thông tin về Họa Sĩ như xuất thân, bản tính của ông khiến người xem tò mò với diễn biến tiếp theo. Gần cuối, phim có tình tiết bất ngờ được đan cài, nâng tầm nhân vật và lý giải nhiều câu hỏi trước đó. Tuy nhiên, ở vài chỗ, phim có lối xử lý thiếu sự dứt khoát cần có ở thể loại hình sự.
Ra mắt ở Trung Quốc từ ngày 4/10, Phi vụ tiền giả được đón nhận tích cực và ba tuần dẫn đầu phòng vé. Tác phẩm hiện thu trên 180 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí chỉ khoảng 38 triệu USD. Phim chiếu ở Việt Nam với thời lượng 133 phút và nhãn C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi).
Lam Anh