Theo chính quyền huyện Quan Sơn, đàn châu chấu xuất hiện vào cuối tháng 7, tập trung ở hai xã Tam Thanh và Na Mèo. Ở xã Tam Thanh, nơi có đường vành đai biên giới tiếp giáp với Lào, châu chấu bám dày đặc trên cây.
Anh Lò Văn Chuyên, 36 tuổi, ở xã Tam Thanh, cho rằng loài côn trùng này không phải sinh sản tại chỗ mà dường như di chuyển từ bên kia biên giới. Mỗi khi đậu xuống cánh rừng tre, luồng hay vầu, nứa, chúng sẽ ăn trụi từ 25% đến 90% lá cây.
Hiện việc tiêu diệt châu chấu chủ yếu dựa vào biện pháp thủ công nên hiệu quả không cao, do chúng liên tục di chuyển.
Qua kiểm tra, ông Lò Văn Huyến, Phó chủ tịch xã Tam Thanh, cho biết châu chấu xuất hiện nhiều nhất tại khu vực suối Dục, kéo dài nhiều km. Mật độ 600-2.000 con trưởng thành trên mỗi bụi cây, với tổng diện tích bao phủ khoảng 30 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, hiện chưa có biện pháp phòng chống triệt để châu chấu. Cán bộ nông nghiệp đang nắm bắt đường di chuyển, nghiên cứu chu kỳ sinh nở của châu chấu, khoanh vùng diệt trứng, ấu trùng bằng phun hóa chất nhằm hạn chế chúng sinh sôi trên diện rộng.
Trước đó cuối tháng 7, đàn châu chấu tre lưng vàng bay từ hướng biên giới Trung Quốc sang cắn phá rừng tre ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, gây hại khoảng 20 ha ngô.
Ông Nguyễn Quý Dương, Cục phó Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết châu chấu tre lưng vàng thường xuất hiện vào tháng 7 hàng năm ở các tỉnh biên giới như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa. Chúng thường thích ăn lá rừng, tre nứa, khu vực ít tre nứa thì chúng phá hoại ngô.