Lượng khách phủ sóng lớn nhất châu Âu mùa hè năm nay là khách Mỹ khi đồng đôla Mỹ tăng giá. Một số trường hợp đến đây theo "trào lưu du lịch trả thù", sử dụng khoản tiền tiết kiệm từ đại dịch, không quan tâm đến giá vé máy bay và giá phòng tăng cao trong mùa cao điểm. Mức chi tiêu của khách du lịch Mỹ tại Italy cho mua sắm hàng miễn thuế tăng hơn 74% trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.
Lauren Gonzalez, 25 tuổi, đến Rome vào tuần này cùng với bốn người bạn. Trong 16 ngày họ sẽ rong chơi qua thủ đô Florence của Italy và bờ biển sau ba năm chỉ ở Mỹ. Gonzalez đã tiết kiệm được nhiều tiền và muốn thực hiện chuyến đi ý nghĩa với bạn bè. Do đó, chi phí du lịch không phải vấn đề với anh. Du lịch vào mùa cao điểm nên anh và bạn chấp nhận cảnh đông đúc.
Theo Tổ chức du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc, tình trạng quá tải du lịch hè đã được dự báo trước, nhưng lượng khách du lịch đến và đi trong châu Âu nhìn chung giảm 10% so với năm 2019. Một phần do lượng khách giảm tại các quốc gia Đông Âu như Ukraine, Litva, Phần Lan, Moldova và Ba Lan. Ngoài ra, du khách Trung Quốc chưa quay trở lại hoàn toàn. Các chuyến bay từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu giảm 45% so với năm 2019, theo công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys.
Hy Lạp, đất nước phụ thuộc vào du lịch, dự kiến đón 30 triệu du khách trong năm nay, vẫn thấp hơn kỷ lục 34 triệu của năm 2019. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng chuyến bay vẫn tăng lên và các điểm nóng du lịch như Santorini, Athens liên tục đón khách.
Ông Héctor Gómez, Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha, gọi kỳ nghỉ năm nay là "mùa hè lịch sử đối với ngành du lịch" khi đón với 8,2 triệu khách du lịch đến chỉ trong tháng 5, phá kỷ lục tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, một số tập đoàn khách sạn cho biết việc đặt phòng có phần chững lại trong những tuần đầu tiên của mùa hè, do giá vé máy bay và giá phòng tăng mạnh.
Theo ForwardKeys, chi phí du lịch đang tăng cao khi các chuyến bay từ Mỹ đến châu Âu tăng 2% so với mức của năm 2019. Tại Italy, chi phí lưu trú ở Florence tăng 53% so với năm ngoái, Venice tăng 25% và Rome tăng 21%. Ngay cả kem gelato cũng sẽ có giá cao hơn 21% do đường và sữa tăng giá.
Sự trở lại của du khách đem lại doanh thu lớn cho ngành du lịch, đổi lại các điểm đến đang rơi vào cảnh quá tải. Alessandra Priante, Giám đốc bộ phận khu vực châu Âu tại Tổ chức du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc, cho biết đại dịch đã cho cả ngành công nghiệp không khói nhìn lại cách phát triển du lịch bền vững. Sự bùng nổ du lịch hiện tại có thể ảnh hưởng tới môi trường và các di sản.
Ông Bernabo Bocca, Chủ tịch hiệp hội khách sạn Italy Federalberghi, cho biết khách du lịch tăng mạnh ở Rome khiến các tuyến taxi luôn quá tải và xe buýt thành phố không thể đảm bảo lộ trình.
Lượng khách tăng cao cũng khiến dịch vụ cho thuê căn hộ ngắn hạn nở rộ tại châu Âu, các phòng liên tục kín khách. Thị trưởng Florence, Italy, giới hạn hoạt động cho thuê căn hộ ngắn hạn nở rộ ở khu trung tâm lịch sử, nơi được bảo vệ như di sản của UNESCO. Tình trạng người dân cho thuê phòng tại các ngôi nhà cần bảo tồn cũng diễn ra tại Venice.
Sinh viên tại các khu vực này không thể tìm được nhà thuê giá cả phải chăng vì chủ nhà dành phòng trống cho khách du lịch. Ngoài ra, số lượng cư dân sinh sống tại Venice ngày càng giảm đồng nghĩa với việc thiếu dịch vụ du lịch địa phương.
Venice đang trì hoãn kế hoạch thu phí khách du lịch tham quan trong ngày. Các nhà phân tích cho rằng kể cả có thu phí du lịch, thành phố cũng khó tránh khỏi tình trạng quá tải, khách du lịch nhiều hơn dân bản địa.
Bích Phương (Theo AP)