Hôm qua, Pháp thú nhận họ đang rất lo lắng làm sao để duy trì mức đánh giá tín dụng trong cuộc khủng hoảng nợ. Tuy vẫn đang có mức điểm tối đa là AAA, có nhiều lý do khiến Pháp quan ngại. Trong đó, thâm hụt ngân sách năm nay được dự báo trên 8%, cao hơn nhiều so với mức trần 3% mà EU đặt ra. Nếu bị các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ điểm, Pháp sẽ phải đề ra một loạt các biện pháp cắt giảm ngân sách mạnh tay và đó là điều người dân nước này hoàn toàn không mong đợi.
Còn tại Đức, vấn đề ngân sách bớt căng thẳng hơn nhưng nước này cũng không kém phần thận trọng. Cuối tuần, Berlin cho biết đang cân nhắc tăng thuế VAT để giảm áp lực ngân sách. Các nước châu Âu đang làm hết sức để tránh trở thành “nạn nhân” tiếp theo bị các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ điểm.
Tây Ban Nha thì không may mắn như thế. Trước cuối tuần, nước này tiếp tục bị Fitch Ratings hạ một bậc trong thang đánh giá, một tháng sau khi bị Standard & Poor 500 hạ điểm. Fitch hạ điểm Tây Ban Nha xuống mức AA+ chỉ một ngày sau khi Chính phủ nước này ra một loạt chính sách cho năm nay và cả năm sau nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi chính quyền của Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero vẫn đang làm hết sức mình để chứng minh cho các nhà đầu tư thấy họ sẽ không đi vào vết xe đổ của Hy Lạp, có vẻ như các tổ chức đánh giá vẫn chưa hài lòng. Thị trường đang hồi hộp chờ xem liệu tổ chức đánh giá còn lại trong bộ ba quyền lực là Moody có hạ điểm Tây Ban Nha hay không.
Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero. Ảnh: AP |
Trong khi đó, trọng tâm chính của cơn bão nợ nần là Hy Lạp vừa khẳng định sẽ không tái cấu trúc nợ và không cần tiến hành thêm nhiều biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách để làm hài lòng EU và IMF. Lời tuyên bố này được Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, ông George Papaconstantinou đưa ra hôm cuối tuần, trong bối cảnh những cuộc biểu tình phản đối cắt giảm lương thưởng vẫn đang dâng cao tại nước này. Trước đó, Hy Lạp đã nhận được gói giải cứu 110 tỷ euro (134 tỷ đôla) để tránh nguy cơ vỡ nợ với lời cam kết sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách từ mức 11% GDP xuống dưới mức trần 3% của EU vào trước năm 2013. Theo dự báo, nền kinh tế Hy Lạp, vốn đóng góp khoảng 2.5% GDP cho khu vực Eurozone, sẽ tiếp tục suy thoái năm thứ hai liên tiếp trong năm 2010 sau khi đã co hẹp 2% năm 2009. Ngân hàng Trung ương Hy Lạp dự đoán, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm 4% trong năm nay do các biện pháp gia tăng thuế cũng như cắt giảm lương bổng và trợ cấp.
Tuy nhiên, sự cố của Tây Ban Nha không gây ảnh hưởng nhiều lắm đến các thị trường trong ngày đầu tuần. Lần đầu tiên sau nhiều tuần, đồng euro đã nhích lên trong ngày hôm nay. Hiện 1 euro đổi được 1,2314 USD trong phiên giao dịch chiều tại Tokyo, tăng so với mức 1,2266 USD cuối ngày thứ sáu tuần trước. Mặc dù vậy, các chuyên gia từ ngân hàng Mizuho nhận định không có nhiều thông tin hỗ trợ đồng tiền chung châu Âu trong thời gian này và quan điểm của thị trường sẽ vẫn không thay đổi. Hiện có nhiều người đang muốn bán euro hơn là số người định mua vào. Một chuyên gia tại Nhật Bản nhận xét đà tăng của euro trong ngày đầu tuần chẳng qua là cuối thứ sáu tuần trước, theo sau tin Tây Ban Nha bị hạ điểm, có vẻ đồng euro đã điều chỉnh giảm quá mức.
Tương tự, sau khi dao động một chút vào đầu ngày, giá dầu thô thế giới đã bứt phá lên vượt 74 USD trong phiên giao dịch tại châu Á, nhờ diễn biến tăng của đồng EUR. Mặc dù vậy, ngày hôm nay thị trường Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ lễ nên không nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường. Dù tăng vượt 74 USD những giá dầu giao tương lai vẫn giảm 14% trong tháng 5, mức giảm trong một tháng lớn nhất kể từ hồi tháng 12/2008.
Tuần này, xu hướng trên trung tâm tài chính phố Wall sẽ chịu sự chi phối từ thông tin thị trường việc làm tháng 5. Các chỉ báo quan trọng về sự phục hồi nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng qua như chỉ số sản xuất và chỉ số dịch vụ của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) sẽ lần lượt được công bố và ngày thứ Ba và thứ Năm. Tới thứ Sáu, Bộ lao động Mỹ sẽ công bố tỷ lệ thất nghiệp Tháng 5. Theo dự đoán của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, tỷ lệ này sẽ giảm 0,1% so với tháng trước, từ mức 9,9% xuống 9,8%. Đồng thời, tuần này, nhà đầu tư cũng sẽ hướng sự chú ý tới phiên điều trần của Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway, ông Warren Buffett cùng Giám đốc điều hành Raymond McDaniel của Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's trước Ủy ban Điều tra về Khủng hoảng Tài chính (FCIC) vào ngày 02/06 tới.
Nguyễn Hùng