Giới chức cho rằng hãng này đã vi phạm luật chống độc quyền khi thăng hạng các dịch vụ mua sắm của mình mà "không cần quan tâm đến giá trị nào cả". "Ủy ban cho rằng người dùng không nhất thiết phải nhìn thấy các kết quả không liên quan đến việc tìm kiếm của mình. Nó có thể gây hại cho họ và các dịch vụ mua sắm đối thủ, cũng như kìm hãm khả năng cạnh tranh", thông báo của EC cho biết.
Theo một số hãng phân tích, hơn 90% kết quả tìm kiếm tại châu Âu xuất phát từ Google. Đối thủ gần nhất là Bing với chỉ 2,67%.
"Thống trị không phải là vấn đề. Nhưng các công ty này phải có trách nhiệm không lạm dụng quyền lực của mình trên thị trường. Người tiêu dùng cần được cung cấp kết quả tìm kiếm tốt nhất", Margrethe Vestager - Người phụ trách chống độc quyền tại EU cho biết trong một buổi họp báo.
Quy mô vụ kiện hiện tại chỉ giới hạn trong việc Google thao túng danh sách các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, bà Vestager cho biết Ủy ban sẽ "tích cực theo đuổi" các lĩnh vực khác, như "khách sạn, chuyến bay hay bản đồ". Một cuộc điều tra khác về hoạt động của Google với hệ điều hành Android cũng đang được tiến hành.
Động thái của châu Âu diễn ra sau khi EU và Google không thể đi đến thỏa thuận vào tháng 9 năm ngoái. Đây cũng không phải lần đầu tiên châu Âu thực hiện vụ kiện chống độc quyền quy mô như thế này. Năm 2004, họ mới chấm dứt cuộc chiến 10 năm với Microsoft khi buộc đại gia phần mềm trả khoản tiền 1,7 tỷ USD. Hãng sản xuất chip máy tính - Intel cũng đã bị yêu cầu nộp 1,4 tỷ USD.
Giới chức châu Âu không phải cơ quan duy nhất lo ngại các hoạt động của Google. Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) cũng từng cân nhắc kiện Google vì các hoạt động phản cạnh tranh. Cuộc điều tra của họ bắt đầu năm 2012 về cách Google xếp hạng và trình bày kết quả tìm kiếm. Họ phát hiện Google đã lấy thông tin từ các website đối thủ để cải thiện bản thân, đồng thời cản trở phi pháp các website và hãng quảng cáo thuộc bên thứ ba. Một số quan chức đã đề nghị kiện, nhưng mâu thuẫn nội bộ đã khiến cơ quan này hủy bỏ kế hoạch trên.
Trả lời thông báo của EU trong một bài viết trên blog, Phó chủ tịch Google Search - Amit Singhal cho biết: "Google có thể là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất. Nhưng mọi người vẫn có thể tìm kiếm và truy cập thông tin theo nhiều cách. Và cáo buộc chúng tôi làm hại người tiêu dùng và đối thủ có vẻ đi quá xa rồi".
Hà Thu (theo Fox News)