Thông tin mà tạp chí Đức Der Spiegel đưa ra dường như ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ của Mỹ và EU, ngay sau khi hai bên vừa chính thức bắt đầu đàm phán về khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. Theo tạp chí này, Mỹ đã thực hiện chương trình nghe lén và theo dõi dữ liệu của EU.
Ủy viên Tư pháp EU Viviane Reding cảnh báo cuộc đàm phán đã được chờ đợi từ lâu có khả năng bị ảnh hưởng nếu các cáo buộc nghe lén được chứng minh là thật.
"Chúng ta không thể thương lượng một thị trường xuyên đại dương nếu còn tồn tại nghi ngờ rằng các đối tác đang theo dõi văn phòng của các nhà đàm phán châu Âu", ông Reding nói trong một cuộc họp báo ở Luxembourg.
Đức, một cường quốc trong EU, lên tiếng yêu cầu Mỹ phải nhanh chóng trả lời có hay không việc theo dõi. "Việc này ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, rằng những người bạn Mỹ coi châu Âu là kẻ thù", Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger nói. "Nếu báo cáo trên là chính xác thì hành động này giống như giữa các kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh".
"Hoàn toàn không thể chấp nhận được nếu chuyện này là thật", Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius nói, đồng thời cũng yêu cầu lời giải thích từ phía Mỹ.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng cho hay ông "vô cùng lo lắng và bị sốc" vì thông tin trên. "Nếu các cáo buộc được chứng minh, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ EU-Mỹ".
Tạp chí Der Spiegel cho biết, Snowden đã công bố một tài liệu mật liên quan tới chương trình theo dõi của Mỹ. Theo tài liệu mật này, Mỹ xâm nhập vào máy tính nội bộ của các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) tại thành phố New York và Washington.
"Chúng tôi ngay lập tức đã tiếp xúc với nhà chức trách Mỹ ở Washington DC và ở Brussels và đối chất với họ về bài báo kể trên", thông cáo của Ủy ban châu Âu viết.
"Họ đã nói với chúng tôi rằng họ đang kiểm tra về tính chính xác của các thông tin này và sẽ liên lạc lại với chúng tôi".
Theo Der Spiegel, một tài liệu ghi thời gian là tháng 9/2010 và được đóng dấu mật, mô tả việc NSA theo dõi các hành động của EU ở Washington.
Các máy ghi âm được cài đặt trong tòa nhà và mạng máy tính bị xâm nhập, cho phép các điệp viên có thể xem được email và các tài liệu nội bộ.
Phái đoàn EU tại Liên Hợp Quốc cũng được cho là bị giám sát tương tự, và các điệp viên cũng mở rộng tới trụ sở ở Brussels của khối 27 thành viên. Tạp chí Đức nói Mỹ coi EU là "mục tiêu", gợi nhớ đến các hoạt động tình báo thời Chiến tranh Lạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf, đang đi cùng Ngoại trưởng John Kerry tới tham dự Diễn đàn Ngoại trưởng ASEAN, từ chối bình luận về vụ việc. Tuy nhiên, Giám đốc văn phòng Tình báo Quốc gia Mỹ cho hay nước này sẽ hồi đáp về vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao với EU.
Vũ Hà