Nhóm chuyên gia từ Đại học Oxford, Anh, ngày 13/7 công bố nghiên cứu mới, cảnh báo Anh, Thụy Sĩ, Na Uy, sẽ ghi nhận mức tăng số ngày nắng nóng lớn nhất nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2°C, trong khi nhà cửa, cơ sở hạ tầng ở các quốc gia này không được thiết kế để làm mát.
"Điều nguy hiểm là chúng ta không có các công trình phù hợp, trong khi thiết kế nhà cửa hiện nay có thể khiến con người cảm thấy quá nóng trong mùa hè", Nicole Miranda, thành viên nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu, nhận định.
Nhóm đã so sánh sự khác biệt về nhiệt độ khi Trái Đất nóng lên 1,5°C và 2°C và tính toán số "ngày mát mẻ", khi nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 18°C. Khi nhiệt độ trên mức này, nhà cửa cần nhiều năng lượng hơn để làm mát bằng điều hòa hoặc quạt.
Theo nghiên cứu, các nước châu Âu cũng nằm trong số quốc gia "ít chuẩn bị nhất thế giới trước tình trạng nóng lên toàn cầu". 10 quốc gia gồm New Zealand, Canada và 8 nước ở Bắc Âu và Trung Âu sẽ tăng 20% thời gian cần làm mát nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2°C, so với mức 1,5°C.
Theo nghiên cứu của Tây Ban Nha và Pháp, hơn 61.000 người châu Âu có thể đã tử vong vì nắng nóng năm ngoái. Con số này có thể tăng lên gần 100.000 ca tử vong mỗi năm trong tương lai gần.
Theo các chuyên gia Đại học Oxford, hầu hết nhà cửa ở châu Âu được xây dựng để chống lạnh, với phần mái sẫm màu, ít bóng râm và kém thoáng khí, thúc đẩy người dân lắp điều hòa để làm mát khi nắng nóng.
Nhu cầu về điều hòa gia tăng có thể tạo áp lực lên nguồn cung năng lượng và lưới điện, trong bối cảnh châu lục dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo vốn kém ổn định hơn.
Bà Miranda cảnh báo khi nắng nóng, người dân châu Âu có thể ưu tiên lắp điều hòa hơn là sửa sang nhà cửa để chống nóng. "Đây là một vòng luẩn quẩn. Nhiều điều hòa sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, khiến tình trạng nóng lên toàn cầu trầm trọng do nhiều khí nhà kính hơn. Sau đó mọi người lại tiếp tục mua nhiều điều hòa hơn để đối phó".
Theo Hiệp định Paris về Chống Biến đổi Khí hậu, các bên cam kết duy trì tình trạng nóng lên toàn cầu "thấp hơn 2°C" và nỗ lực giảm xuống mức 1,5°C.
Nghiên cứu của Oxford lưu ý tình trạng này đã cao hơn 1,1°C so với mức ghi nhận trong thời kỳ tiền công nghiệp hóa, khiến mục tiêu 1,5°C trở nên "xa tầm với".
Trong khi đó, các nước Trung Phi sẽ có mức tăng lớn nhất về thời gian cần làm mát. Phó giáo sư Radhika Khosla, thành viên nhóm chuyên gia Oxford, cho biết tình trạng nghèo đói sẽ hạn chế năng lực thích ứng của con người với biến đổi khí hậu.
"Nắng nóng khắc nghiệt có thể cản trở kinh tế tăng trưởng. Không quốc gia nào được bảo vệ khỏi những tác động này", bà Khosla nhận định.
Đức Trung (Theo Bloomberg)