Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn châu Âu (ECMWF) ngày 3/10 nhận định một đợt lạnh sớm do hiện tượng La Nina có thể xuất hiện vào tháng 11 và 12 năm nay, khiến thời tiết trở nên lạnh hơn và khô hơn. La Nina là hiện tượng nhiệt độ bề mặt đại dương giảm mạnh, xảy ra vài năm một lần.
"Các mô hình dự báo thời tiết cho thấy La Nina có xu hướng gây ảnh hưởng tới gió mùa phía tây, tạo ra áp suất không khí cao khắp châu Âu", Carlo Buontempo, giám đốc trung tâm dịch vụ khí hậu của ECMWF, nói. "Trong điều kiện này, gió mùa phía đông có thể khiến nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường, gây ra đợt rét đậm vào ngay đầu mùa đông".
Ông cho hay sau 3-4 tuần nữa sẽ có nhiều dữ liệu đáng tin cậy hơn về những điều kiện thời tiết ảnh hưởng tới mùa đông năm nay. Dự báo được ECMWF đưa ra khi Ofgem, cơ quan quản lý năng lượng của Anh, cảnh báo mùa đông năm nay "có nguy cơ" thiếu khí đốt, ảnh hưởng nguồn cung cấp điện.
Cơ quan này cho hay "do chiến sự ở Ukraine và tình hình thiếu nguồn cung ở châu Âu, nguy cơ thiếu khí đốt có thể xảy ra trong mùa đông 2022-2023 tại Anh. Do đó, Anh có thể đối mặt trường hợp khẩn cấp về nguồn cung khí đốt", buộc các nhà máy điện khí phải đóng cửa.
Buontempo cho biết nếu mô hình dự báo chính xác, mùa đông lạnh hơn sẽ khiến nhu cầu khí đốt ở châu Âu tăng lên, trong khi thời tiết lặng gió và khô sẽ làm giảm sản lượng điện gió và thủy điện, góp phần khiến khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn, do nguồn điện mặt trời không đủ bù đắp.
Ông cho hay tin tốt là trong năm xảy ra La Nina, các hình thái thời tiết có xu hướng thay đổi vào giữa mùa đông, mang gió mùa phía tây ấm hơn tới châu Âu vào nửa cuối mùa đông.
Tuy nhiên, Tom Morgin, chuyên gia của cơ quan khí tượng Anh, thừa nhận La Nina có khả năng xảy ra vào mùa đông năm nay, nhưng nói thêm liệu điều này có khiến mùa đông ở Anh lạnh hơn hay không vẫn chưa chắc chắn. "Nhiệt độ nước biển xung quanh nước Anh hiện vẫn cao hơn mức trung bình", ông nói.
Buontempo cho rằng nhiệt độ nước biển cao hơn không khiến châu Âu ấm hơn nếu hướng gió thay đổi, mang theo không khí lạnh hơn từ Trung Á và Siberia tới châu lục.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)