Kết quả kiểm tra sức khỏe ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của dân chúng. Ảnh minh họa: The Economist |
Trả lời phỏng vấn tờ Libération của Pháp, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ông Jean-Claude Trichet cho rằng, hiện nay một bộ phận giới đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường có xu hướng đánh giá thấp khả năng của châu Âu trong việc tiến hành các quyết định dứt khoát. Đó là một sai lầm.
Tương tự như cuộc kiểm tra sức khỏe ngành ngân hàng tại Mỹ từng diễn ra vào năm 2009, châu Âu cũng thực hiện nhưng dưới hình thức và quy mô lớn hơn. Tại Mỹ, chỉ có 19 đại gia ngân hàng phố Wall được đưa vào diện kiểm tra, nhưng số lượng tại châu Âu lên đến 91. Kết quả kiểm tra các ngân hàng châu Âu lần này dù mang nhiều kỳ vọng tích cực nhưng áp lực tăng vốn với các ngân hàng thương mại lớn của châu Âu vẫn dai dẳng.
Cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng tại nhiều nước châu Âu, khởi nguồn từ Hy Lạp đã làm chao đảo hầu hết các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Các nước có tỷ lệ nợ công trên GDP cao ngất ngưởng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, phải nghiêng mình nhờ cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như ngân hàng trung ương mỗi nước.
Những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng nợ công vừa qua khiến người ta không khỏi lo ngại về kết quả kiểm tra sức khỏe sẽ được công bố vào ngày thứ sáu tuần này bởi Ủy ban Giám sát Ngân hàng Châu Âu (CEBS). Quy mô kiểm tra giữa các ngân hàng châu Âu lớn hơn đồng nghĩa với rủi ro lớn hơn cho toàn bộ hệ thống và nguy cơ sụp đổ niềm tin lớn hơn.
Đức với vai trò nền kinh tế lớn nhất, có những luật lệ về chi tiêu ngân sách chặt chẽ hơn và tiềm lực tài chính mạnh hơn so với các nước khác, được đánh giá sẽ suôn sẻ vượt đợt kiểm tra. Khác với Mỹ, châu Âu tỏ ra lỏng lẻo hơn trong việc kiểm tra tính minh bạch trong các báo cáo ngân sách và ngân hàng, mà bằng chứng là Hy Lạp - nước nghèo nhất EU đã qua mặt EU trong báo cáo thâm hụt với món nợ công lên đến hàng trăm tỷ đôla Mỹ.
Số phận của Tây Ban Nha được đánh giá là hẩm hiu hơn. Việc kiểm tra sức khỏe ngành ngân hàng nước này được kỳ vọng sẽ hà khắc hơn khi họ từng bị kết tội là một trong số thủ phạm gây ra thảm họa nợ công châu Âu. Chưa hết, nước này còn vướng phải rắc rối về khả năng hoàn trả các khoản cứu trợ từ chính phủ.
Các ngân hàng Tây Ban Nha, Hy Lạp và Đức, cùng một số định chế tài chính khác được đánh giá sẽ cần tăng vốn tới 78,6 tỷ euro (65 tỷ bảng Anh) sau khi có kết quả chính thức về đợt kiểm tra ngành ngân hàng châu Âu lần này. Các ngân hàng đượt liệt vào danh sách cần bơm vốn là Ngân hàng Tiết kiệm Cajas của Tây Ban Nha, Ngân hàng Landesbanks của Đức và các ngân hàng Hy Lạp.
Các ngân hàng Tây Ban Nha và Đức sẽ có nhiều cơ hội nhận được vốn hỗ trợ hơn so với Hy Lạp, do nước này vẫn bị đánh giá khó thoát khỏi bóng ma nợ nần trong nhiều năm. Theo đó, các ngân hàng Hy Lạp có thể phải tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu. Tây Ban Nha và Đức có thể sẽ nhận được khoản vốn vay từ chính phủ để tái cơ cấu.
Tồn tại song song với nỗi lo về kết quả kiểm tra sức khỏe ngân hàng là những thông tin lạc quan về các biện pháp gỡ rối khủng hoảng tại một số nước châu Âu. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy đã thành công với đợt đấu giá trái phiếu, Hy Lạp tiến hành giảm lương để phục hồi chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế tại Đức khả quan.
Tờ New York Times trích nhận định của chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard từ Peterson Institute for International Economics rằng: “Châu Âu đã vượt qua cuộc khủng hoảng khá tốt. Trong ngắn hạn, khu vực này sẽ phải thực hiện một loạt các quyết định mang tính xây dựng để làm bình ổn cũng như tăng cường chú ý tới thị trường”.
Ngọc Ngân