Khi vấn đề cứu trợ cho Cộng hòa Síp vẫn chưa được giải quyết, châu Âu lại thêm đau đầu với hàng loạt nỗi lo mới. Hệ thông ngân hàng tại Luxembourg có nguy cơ sụp đổ. Slovenia khả năng cao thành nước tiếp theo xin cứu trợ. Còn nợ công tại Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu lại ngày càng phình to.
Ngày 12/4, bộ ba chủ nợ - Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo Síp cần huy động thêm gần 6 tỷ euro nữa để được nhận 10 tỷ euro cứu trợ. Như vậy, tổng quy mô gói giải cứu này đã lên tới 23 tỷ euro.
Số tiền nhận được không đổi, trong khi điều kiện lại tăng gần gấp đôi khiến Síp càng thêm bí bách. Nhiều báo cáo cho biết nước này có thể sẽ bán một lượng lớn vàng dự trữ để có thêm 400 triệu euro. Tin tức này đã khiến giá vàng lao dốc trong phiên giao dịch tại New York (Mỹ) ngày 12/4. Ngay trong những giờ đầu tiên, đã có lúc, các hợp đồng giao tương lai được chốt ở mốc 1.497,60 USD một ounce, thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2011. Chốt phiên, giá vàng giao ngay chỉ còn 1.477 USD một ounce, giảm 84 USD so với lúc mở cửa.
Síp sẽ phải tìm thêm gần gấp đôi số tiền để được nhận 10 tỷ euro cứu trợ. Ảnh: AFP |
Mối lo Síp chưa qua, giới chức eurozone lại đau đầu với khả năng nước giàu nhất Liên minh châu Âu (EU) - Luxembourg cũng sắp thành quả bom nợ. Tài chính đóng góp 27% tăng trưởng kinh tế hàng năm và thu hút 20% lao động nước này. Luxembourg có tới 141 ngân hàng, hầu hết là nhà băng nước ngoài. Họ nắm giữ số tài sản gấp 22 lần GDP Luxembourg.
Ngày 4/4, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) - Mario Draghi cảnh báo: "Kinh nghiệm gần đây cho thấy các nước có ngành ngân hàng gấp nhiều lần quy mô kinh tế chính là những quốc gia dễ tổn thương nhất". Bên cạnh đó, cũng như Síp, sự thịnh vượng tài chính của Luxembourg bắt nguồn từ các quy định lỏng lẻo và thuế thấp, biến đây thành nơi né thuế và rửa tiền lý tưởng.
Tuy nhiên, giới chức quốc gia này từ chối thu hẹp quy mô ngân hàng vì cho rằng hệ thống nhà băng ở đây an toàn hơn nhiều so với Síp. Thủ tướng Jean-Claude Juncker còn khẳng định Luxembourg nợ tương đối nhỏ, đủ khả năng bảo lãnh cho các ngân hàng. Họ chỉ đồng ý trao đổi dữ liệu nhà băng với các nước châu Âu để tăng minh bạch tài chính và chống rửa tiền.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo Slovenia có rủi ro "rất lớn" khi nợ doanh nghiệp, nợ xấu và tài chính công giảm sút. Các ngân hàng nước này vẫn đang quay cuồng sau khi bong bóng bất động sản vỡ vụn để lại khối nợ xấu khổng lồ. Dù tỷ lệ nợ công trên GDP tại Slovenia (48%) vẫn thấp hơn nhiều trung bình EU (85%), họ vẫn gặp khó khăn trong việc trả nợ khi chi phí đi vay những tháng gần đây ngày càng tăng.
Việc này đã làm dấy lên nỗi lo Slovenia sắp không vay được tiền từ thị trường trái phiếu quốc tế và trở thành quốc gia thứ 6 trong 17 nước eurozone phải xin cứu trợ, sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha và Síp.
Đáng lo ngại hơn cả là Pháp - nền kinh tế đầu tàu của eurozone cũng bị cảnh báo phải có động thái cương quyết hơn để giải quyết khối nợ đang ngày càng phình to. Olli Rehn - quan chức kinh tế hàng đầu EU cho biết: "Có hai thách thức lớn với Pháp trong thời điểm hiện tại. Đó là xuất khẩu giảm và nợ công tăng". Việc này không chỉ đe dọa kinh tế trong nước mà còn là cả eurozone.
Nợ công của Pháp được dự đoán vượt 93% vào cuối năm nay, báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết. Kinh tế suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao khiến Pháp đang phải vật lộn với kiểm soát thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, mục tiêu thâm hụt 3% GDP có lẽ không thể đạt được trong năm nay. Tháng tới, EU sẽ họp bàn để quyết định gia hạn 1 năm nữa cho Pháp hay áp đặt trừng phạt kinh tế lên nước này.
Sự kiện kinh tế nổi bật trong tuần: 1. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ lên mốc cao nhất mọi thời đại khi dữ liệu bán lẻ và việc làm khởi sắc. 2. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 1 tại Hy Lạp lập kỷ lục 27,2%. 3. Tổng thống Obama ký sắc lệnh giảm 109 tỷ USD chi tiêu năm tài chính 2014. 4. Thương nhân Trung Quốc vơ vét sữa ngoại sau sự cố nhiễm melamine năm 2008. |
Thùy Linh (tổng hợp)