Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - Stavros Lambrinidis đánh giá hành động của các hãng xếp hạng tín nhiệm trong giai đoạn khủng hoảng như bây giờ là "điên rồ". Bộ trường Tài chính Đức, ông Wolfgang Schaeuble, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng ông muốn "phá vỡ thế độc quyền của các hãng này và giới hạn tầm ảnh hưởng của họ".
Hôm thứ 3 vừa rồi, Moody's đã đặt tình trạng nợ của Bồ Đào Nha vào mức rủi ro cao nhất, dấy lên những lo ngại đất nước này cần thêm khoản hỗ trợ thứ hai.
Standard & Poor's, Moody's và Fitch là 3 hãng đánh giá tín nhiệm lớn nhất hiện nay. Gần đây họ đã nhiều lần hạ tín nhiệm của Hy Lạp và Bồ Đào Nha.
Phát ngôn viên Amedeu Altafaj của Ủy ban châu Âu phát biểu: "Quyết định của Moody's không chỉ đáng ngờ mà còn như một kịch bản giả định chẳng hề có khả năng thực thi. Đây không phải là lúc làm vậy và việc này lại một lần nữa tăng thêm những vấn đề quanh việc cư xử thỏa đáng của các hãng xếp hạng tín nhiệm".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Manuel Barroso nói thêm rằng hành động này của Moody's sẽ thêm nghi ngại trong tình hình này. Ông cũng cho biết việc không một hãng xếp hạng tín nhiệm nào có trụ sở tại châu Âu là điều thực sự lạ kì. Ông nói: "Điều này cho thấy có thể tồn tại những sai lệch trong thị trường khi đánh giá các vấn đề cụ thể của châu Âu".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso tỏ ý nghi ngờ đánh giá của các hãng xếp hạng tín nhiệm. Ảnh: AP |
Trong một buổi họp tại thủ đô Berlin, Đức cách đây ít lâu, ông Lambridinis nhận định các hãng xếp hạng này đã khiến tình hình vốn đã khó khăn trở nên trầm trọng hơn. Ông cho rằng Moody's chỉ "giả sử Bồ Đào Nha cần nguồn hỗ trợ thứ hai", việc này "là một lời tự tiên đoán hết sức điên khùng" bởi nó sẽ khiến Bồ Đào Nha gặp khó khăn hơn khi vay tiền để ổn định đất nước.
Hy Lạp, Bồ Đào Nha cùng với Cộng hòa Ireland là những nước châu Âu đang phải nhận viện trợ từ phía liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) do nền kinh tế quá yếu kém.
Công Tâm (theo BBC)