Nằm ở trung tâm đường sắt đã ngừng hoạt động gần thành phố Veendam ở phía bắc Hà Lan, đường hầm màu trắng hình chữ Y dài 420 m bao gồm 34 đường ống nối liền nhau rộng khoảng 2,5 m, theo AFP. Gần như tất cả không khí bị hút khỏi đường hầm để giảm lực cản và phương tiện chạy bên trong được đẩy bằng nam châm ở tốc độ có thể lên tới 1.000 km/h. Các nhà vận hành hy vọng một ngày nào đó hành khách có thể di chuyển từ Amsterdam tới Barcelona trong hai giờ.
Trung tâm Hyperloop châu Âu là cơ sở duy nhất trên thế giới có đường chuyển làn, một nhánh đường hầm rẽ từ đường chạy chính, cho phép các nhà khoa học kiểm tra những gì xảy ra khi phương tiện đổi hướng ở tốc độ cao. "Bạn cần thiết kế như vậy để tạo ra một mạng lưới. Đường chuyển làn là một phần phân nhánh của cơ sở hạ tầng, ví dụ một nhánh hướng tới Paris, nhánh khác dẫn đến Berlin", giám đốc trung tâm Sascha Lamme cho biết. Lamme dự đoán một mạng lưới đường hầm Hyperloop dài 10.000 km sẽ chạy ngang dọc khắp châu Âu vào năm 2050.
Công ty Hardt Hyperloop ở Hà Lan lên kế hoạch chạy thử nghiệm phương tiện sơ bộ trong những tuần tới. Trung tâm cũng mở cửa với các công ty phát triển bất kỳ khía cạnh nào của công nghệ Hyperloop. Tuy nhiên, giới khoa học thừa nhận còn một chặng đường dài trước khi công nghệ hoàn toàn sẵn sàng và còn lâu mới có thể thử nghiệm chở khách. Hoạt động chở khách đầy đủ sẽ có sẵn vào năm 2030, có thể trên chặng ngắn khoảng 5 km, ví dụ từ sân bay vào thành phố.
Tỷ phú Elon Musk, giám đốc điều hành công ty SpaceX và Tesla, là người đầu tiên nêu ý tưởng về công nghệ Hyperloop trong một bài báo năm 2013 đề xuất "phương tiện giao thông thứ 5" nối San Francisco và Los Angeles. Theo Musk, đường ống Hyperloop có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố xuống khoảng 30 phút so với 6 giờ bằng đường bộ hoặc một giờ bằng máy bay. Từ sau đó, một số công ty trên thế giới phát triển ý tưởng với những dự án nghiên cứu tiêu tốn hàng triệu USD nhưng công nghệ Hyperloop vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
Thương gia người Anh Richard Branson từng chở hai hành khách qua 500 m trên sa mạc Nevada vào năm 2020, nhưng công ty Virgin Hyperloop của ông, sau này đổi tên thành Hyperloop One, đóng cửa cuối năm ngoái. Nhưng quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vẫn diễn ra trên thế giới. Trung Quốc có một cơ sở thử nghiệm cho phép họ đạt tốc độ gần 700 km/h.
Những người ủng hộ cho rằng công nghệ Hyperloop không gây ô nhiễm, không tạo ra tiếng ồn và hòa hợp với khung cảnh ở cả môi trường đô thị và đồng quê. Theo Marinus Van der Meijs, giám đốc công nghệ và kỹ thuật ở Hardt Hyperloop, mức tiêu thụ năng lượng của tàu Hyperloop như một phương tiện giao thông thấp hơn nhiều so với các loại hình khác. Nó cũng đòi hỏi ít không gian để vận hành hơn do các đường ống có thể dễ dàng lắp đặt trong lòng đất hoặc trên cao.
Người chỉ trích công nghệ cho rằng Hyperloop là ý tưởng không thực tế và bày tỏ nghi ngại về trải nghiệm của hành khách khi lao xuyên qua đường ống hẹp ở tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh.
An Khang (Theo AFP)