"Các cuộc chiến trước đây cho thấy nguy cơ xác định nhầm mục tiêu rất dễ xảy ra trên chiến trường và phổ biến với tất cả các bên tham chiến", Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cho biết trong thông báo hôm 5/5.
EASA cho rằng nếu các bên tham chiến sử dụng thiết bị gây nhiễu hoặc tác chiến điện tử cản trở hoạt động bình thường của công cụ nhận dạng, dẫn đường, "máy bay dân sự đều có thể trở thành mục tiêu của tên lửa hay vũ khí dẫn bắn bằng radar".
Tháng 7/2014, chiếc máy bay chở khách MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trong hành trình từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã bị bắn hạ ở miền đông Ukraine, nơi diễn ra giao tranh giữa quân đội chính phủ nước này và phe ly khai, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng
EASA không nêu rõ cảnh báo của họ liên quan tới không phận Ukraine, song cho biết đây là những rủi ro mà các máy bay có thể gặp phải do chiến sự Nga - Ukraine.
Cơ quan này cũng cảnh báo nguy cơ liên quan tới việc lực lượng quân đội các nước tăng cường sử dụng dân bay dân sự và khả năng "máy bay quân sự hoạt động trong khu vực xung đột có thể vô tình tiến vào không phận dân sự".
Phần Lan hôm 4/5 tố một trực thăng Mi-17 của Nga đã bay vào không phận nước này khoảng 4-5 km. Đây là lần thứ hai Phần Lan cáo buộc Nga vi phạm không phận trong năm nay, sau khi một máy bay vận tải quân sự Nga có hành động tương tự hôm 8/4.
4 tiêm kích của Nga hồi tháng 3 cũng bị cáo buộc vi phạm không phận Thụy Điển ở gần đảo Gotland trên biển Baltic. Tuần trước, máy bay do thám Nga cũng vượt qua biên giới Thụy Điển, gần một căn cứ hải quân ở miền nam nước này.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, loạt nước đã áp lệnh cấm máy bay Nga qua không phận. Moskva sau đó cũng thông báo đóng không phận đối với máy bay từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ để đáp trả.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)