Nền kinh tế 13.000 tỷ USD của khu vực đồng tiền chung châu Âu đang suy giảm. Đó là công bố của Cục Thống kê châu Âu vào thứ 3 tuần qua (14/8). Cụ thể, kinh tế khu vực đồng euro đã tăng trưởng âm 0,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng GDP của Đức cũng giảm xuống còn 1,1% so với mức 2% của quý I. Mức tăng trưởng này không đủ để nâng đỡ cả khu vực đang gặp khó khăn.
Mặc dù Đức tăng trưởng chậm hơn so với quý I, nhưng con số 1,1% của quý II vẫn cao so với nhiều nước khác trong khu vực, vốn đã rơi vào suy thoái. Theo Greg Fuzesi, chuyên gia kinh tế về khu vực đồng euro tại JP Morgan ở London, đó là nhờ “Đức không gặp phải những vấn đề nội tại mà một số nền kinh tế khác đang đối mặt”. Các hộ gia đình Đức và doanh nghiệp đều có mức nợ thấp, trong khi lương đang tăng lên và các ngân hàng vẫn lành mạnh về tài chính.
Nhiều nhà xuất khẩu Đức vẫn làm ăn tốt ở các thị trường ngoài châu Âu. Doanh số bán xe hạng sang của BMW tại Trung Quốc, chẳng hạn, đã tăng tới 30% từ đầu năm đến nay. Xuất khẩu của hãng xe này sang Nga, Trung Đông và Nam Mỹ cũng đang tăng nhanh.
Tuy nhiên, những dấu hiệu đáng lo ngại đã bắt đầu xuất hiện. Dù lạc quan về Đức, nhưng ông Fuzesi cũng khuyến cáo, việc các đơn đặt hàng từ châu Âu, thị trường lớn nhất của Đức, giảm xuống cùng với sự chậm lại của nền kinh tế có thể sẽ khiến Đức tăng trưởng âm trong quý III.
Đồng tình với quan điểm trên, Joerg Kraemer, chuyên gia kinh tế trưởng tại Commerzbank, cho rằng: “Dù đã vượt cạn tốt hơn so với các nước khác trong khu vực đồng euro nhưng Đức cũng không thể cô lập chính mình”. Đức là một quốc gia tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, thế nhưng cuộc khủng hoảng châu Âu đã tác động vào thị trường lớn nhất của nước này. Gần 40% xuất khẩu của Đức là sang các nước trong khu vực đồng euro (nếu tính tổng cộng 27 nước thuộc Liên minh châu Âu, tỉ lệ này là 60%). Trung Quốc, một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Đức, chiếm tới gần 7% xuất khẩu, cũng đang chậm lại.
Thị trường lao động của nước này cũng đang dậy sóng. Các doanh nghiệp lớn của Đức từ Deutsche Bank cho đến hãng năng lượng RWE, đều đang có kế hoạch cắt giảm hàng ngàn việc làm. Đặc biệt, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Đức đã giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Điều này cho thấy nhiều công ty lo ngại không muốn mở rộng kinh doanh trong một môi trường đầy ảm đạm của châu Âu.
Ngay cả Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro, cũng đang lâm nguy. Số liệu hôm thứ Ba tuần qua cho thấy, nền kinh tế Pháp đã đình đốn trong quý thứ ba liên tiếp khi đã tăng trưởng âm dù rất nhẹ 0,2% trong quý II. Chi tiêu tiêu dùng đang giảm khi thất nghiệp đã lên mức 10% và các hộ gia đình Pháp cũng lo tằn tiện trước các biện pháp thắt lưng buộc bụng sắp tới của Chính phủ.
Khi người mua thắt chặt hầu bao thì các chuỗi bán lẻ lớn của Pháp lập tức bị dính đòn. Carrefour và Fnac đều đã công bố doanh số bán sụt giảm tại thị trường nội địa trong quý vừa qua. Hãng xe PSA Peugeot-Citroën đã cắt giảm tới 16% sản lượng tại Pháp trong quý II, trong khi Renault SA cũng giảm 6% lượng xe sản xuất.
Mối quan tâm lớn nhất của châu Âu hiện giờ xoay quanh Italy và Tây Ban Nha. Cả 2 nước này đều đã công bố các con số GDP đáng thất vọng trong quý II. Tăng trưởng GDP của Italy đã âm 2,9% trong quý II trong khi Tây Ban Nha tăng trưởng âm 1,7%. Tại cả 2 nước này, hoạt động kinh tế đều vẫn ở mức thấp hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008.
Việc suy thoái quay trở lại từ cuối năm 2011, Italy và Tây Ban Nha càng thấy khó mà giảm được nợ quốc gia và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Italy không còn muốn dính dáng đến nền kinh tế đầy bất ổn trong nước. Filpucci SpA, chẳng hạn, đang chuyển sản xuất sang Trung Quốc để cắt giảm chi phí lao động đồng thời tăng cường bán hàng cho các nhà bán lẻ Mỹ. “Thị trường ở Italy đã không còn nữa”, Phó Chủ tịch của Filpucci, ông Federico Gualtieri, nhận xét.
Các doanh nghiệp Tây Ban Nha cũng không còn trông chờ vào thị trường trong nước. Nhà cung cấp thiết bị hàn Aragonesa de Soldadura SL đã nhiều lần thay đổi ngành nghề kinh doanh nhưng cũng chạy trời không khỏi nắng. Cách đây 4 năm, khi bong bóng nhà đất Tây Ban Nha xì hơi, Công ty đã rời khỏi lĩnh vực xây dựng và chuyển sang ngành năng lượng gió và mặt trời. Sau đó, chính phủ nước này cắt giảm chi tiêu, khiến cho lĩnh vực năng lượng tái tạo bị khốn đốn. Công ty lại chuyển hướng sang cung cấp thiết bị hàn. Doanh số bán đã hồi phục lại nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì tình hình kinh tế trong nước và nước ngoài bắt đầu diễn biến xấu đi. Điều này đã khiến cho doanh số từ đầu năm đến nay giảm mạnh và công ty giờ cũng đã đuối sức. “Thị trường Tây Ban Nha đã chết”, Giám đốc Kinh doanh Peter Senz của Aragonesa de Soldadura SL, than thở.
Trước cuộc khủng hoảng đang lan rộng tại châu Âu, Chính phủ Mỹ, Quỹ tiền tệ Quốc tế và nhiều nhà kinh tế đang thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu tăng cường chi tiêu ở các nước có thể thực hiện điều này như Đức, trong khi giảm mạnh lãi suất cho các chính phủ và doanh nghiệp đang gặp khó khăn như ở Italy và Tây Ban Nha.
“Chắc chắn rằng trong lúc này, một số nước không còn cách nào khác ngoài việc phải thắt lưng buộc bụng nhưng việc thực thi siết chặt tài khóa khắp cả khu vực đồng euro thì phản tác dụng”, Simon Tilford, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung tâm cải cách châu Âu, nhận xét. Ông nói thêm: “Italy và Tây Ban Nha đang đối mặt với một bài toán nan giải: làm sao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa lúc chi phí vay mượn đang ở mức quá cao”.
Khó có thể trông chờ vào các biện pháp mạnh mẽ hơn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đầu tháng 8, ECB tuyên bố sẽ can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ nhằm giúp làm giảm chi phí vay mượn cho các nước châu Âu gặp khó khăn. Nhưng cơ quan này lại kèm theo một điều kiện là phải nộp đơn xin cứu trợ, mà đây là điều chính phủ các nước không muốn làm. Biện pháp nửa vời này đã khiến cho thị trường vô cùng thất vọng.
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu còn do dự thì các nền kinh tế khỏe mạnh hơn như Đức và Pháp ngày càng xanh xao do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tại các nước láng giềng. Viễn cảnh về một cuộc suy thoái mới tại khu vực đồng euro đang đến gần.
(Nhịp cầu đầu tư)